Kịp thời tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc

Kịp thời tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các đơn vị chuyên môn, ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cần hướng dẫn thêm bằng trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, địa phương sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong xuất khẩu.

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh biên giới phía Bắc về tình hình lưu thông xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra chiều nay (11/8) tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương với sự tham gia Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm, các đại biểu cho rằng, bên cạnh phòng chống dịch, cần tăng cường kết nối, thông tin kịp thời về những quy định mới về điều kiện xuất khẩu, yêu cầu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản để tạo thuận lợi xuất khẩu nông sản giữa 2 bên.

7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước tăng 26,7%, đạt 28,6 tỷ USD, suất siêu khoảng 3,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện xếp thứ 2 về xuất khẩu nông sản của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc

Phản ánh từ các địa phương có cửa khẩu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thông quan hàng hóa trên địa bàn những tháng đầu năm tăng đột biến, trong đó chủ yếu là hàng nông sản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu một số loại nông sản, trái cây truyền thống sang thị trường Trung Quốc lại đang gặp khó khăn do phía Trung Quốc tạm ngừng hoạt động một số khu vực tiếp nhận phương tiện chở hàng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vừa đảm bảo sản xuất cũng như phòng chống dịch, các tỉnh biên giới đã triển khai quyết liệt, thành lập các chốt phòng chống dịch để đảm bảo an toàn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe chở hàng nông sản xuất khẩu, nhân viên bốc xếp và giao nhận, cũng như đóng cửa một số khu vực kinh doanh hàng hóa không thiết yếu và tiêm vác xin cho lực lượng khu vực cửa khẩu… Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối, điều tiết với các địa phương có vùng trồng nông sản để các địa phương biên giới có thể điều tiết được hoàn cách hợp lý: “Khi vào mùa thu hoạch sản phẩm đưa lên cửa khẩu, nếu chúng ta không điều tiết tốt sẽ gặp khó khăn trong thông quan thuận lợi”.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng lưu ý về việc tuyên truyền cho nông dân và doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía bạn ngay tại nơi sản xuất để khi quá trình thực hiện nhanh chóng đúng hướng dẫn và triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc mã số vùng trồng.

Họp trực tuyến với các tỉnh cửa khẩu biên giới phía Bắc về xuất khẩu nông sản

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, tiềm năng giao thương nông sản giữa Việt Nam – Trung Quốc là rất lớn, đồng thời, đề nghị Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ông Hồ Tỏa Cẩm đề xuất các cơ quan liên quan phía Trung Quốc phối hợp với các địa phương cửa khẩu, các Bộ, ngành của Việt Nam tập trung tháo gỡ những khó khăn tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa trong điều kiện dịch Covid 19. Các địa phương cửa khẩu, doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo mục tiêu kép và chỉ tiêu xuất khẩu nông sản năm nay.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, sau khi đàm phán và ký Nghị định thư cho 9 loại nông sản thì quá trình đàm phán tiếp theo cho 8 loại nông sản nữa của Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ về mã số vùng trồng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất đầy đủ và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc này đang gặp khó khăn. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để gia tăng số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

“Đối với thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid-19, có rất nhiều quy định mới từ các cơ quan của Trung Quốc, các tỉnh có những quan hệ rất tốt với các địa phương Trung Quốc và cũng kết nối chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp để những quy định mới này phổ biến cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp được để khi đưa hàng lên biên giới thì đã có những tiêu chí theo quy định mới của Trung Quốc về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật để liên tục thông quan”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments