Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đại diện Việt Nam, tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế LHQ với 145/193 phiếu thuận.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/11 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã trở thành một trong 8 ứng viên khu vực châu Á – Thái Bình Dương được chọn vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ năm 2023 – 2027, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.
ILC năm nay chọn ra 34 ứng viên đại diện các nước. Với 145/193 phiếu bầu, Đại sứ Thao tái đắc cử ILC với số phiếu cao thứ tư trong khu vực, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc với kết quả 145/193 phiếu là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh sang chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Kết quả này cũng thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc và các thể chế đa phương.
Ngoài Việt Nam, khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Lebanon, Cyprus và Sri Lanka.
Đại sứ Thao từng trúng cử thành viên ILC nhiệm kỳ năm 2017 – 2022. Trong nhiệm kỳ này, ông tham gia tích cực công việc nghiên cứu, thảo luận của ủy ban và đóng góp nghiên cứu các chủ đề pháp lý quan trọng như môi trường, xung đột vũ trang và bảo vệ con người trong đại dịch.
ILC được thành lập năm 1947 với 34 thành viên đủ trình độ, năng lực. ILC đóng góp vào các văn bản quốc tế quan trọng như Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961, Quy chế Rome của Tòa Hình sự quốc tế năm 1998 và bộ Điều khoản về Trách nhiệm quốc gia đối với hành vi sai phạm quốc tế năm 2001.