“Nhu cầu huy động viện trợ nước ngoài khoảng 3.450 tỉ đồng, chiếm 16% tổng số nhu cầu ngân sách khắc phục hậu quả bom mìn”.
Đó là chia sẻ của đại tá Nguyễn Hạnh Phúc – phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) – với Tuổi Trẻ Online nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025 (chương trình 504).
Thống kê của Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ khiến 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
* Trong giai đoạn 2010 – 2020, chúng ta đã huy động tài trợ không hoàn lại từ quốc tế hơn 95 triệu USD, đóng góp khoảng 1/6 chi phí rà phá bom mìn trong 10 năm. Vậy giai đoạn tới việc kêu gọi hỗ trợ từ quốc tế ra sao, thưa ông?
– Chúng ta cần huy động nguồn lực trong và ngoài nước để khẩn trương giảm thiểu, hạn chế thấp nhất tác động, hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh, đồng thời chủ động hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn có nguyện vọng vào hoạt động ở Việt Nam.
Nhu cầu huy động viện trợ nước ngoài khoảng 3.450 tỉ đồng, chiếm 16% tổng số ngân sách khắc phục hậu quả bom mìn.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua các hình thức trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển…
Các nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cũng được đưa vào các chương trình nghị sự, cuộc họp, làm việc cấp cao, diễn đàn song phương và đa phương.
* Theo ông, lực lượng rà phá bom mìn nước ta còn thiếu những trang thiết bị hiện đại như thế nào và kế hoạch bổ sung sắp tới?
– Theo thống kê, diện tích ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam còn khoảng 5,6 triệu ha, bằng 17,1% diện tích Việt Nam. Để đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, chúng ta cần làm chủ khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động rà phá bom mìn, tiệm cận quốc tế.
Các trang bị hiện đại trong rà phá bom mìn trên thế giới như bộ tổ hợp thiết bị rà phá mìn, bộ thiết bị dò tìm trên không. Đặc biệt, hệ thống cắt cây kết hợp phá hủy mìn tại chỗ… là nhu cầu của chúng ta hiện nay.
Chương trình “Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam” mà VNMAC tham mưu với Bộ Quốc phòng sẽ khắc phục một phần nhu cầu thực tế.
* Vậy kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2021 – 2025 có những điểm gì đáng chú ý?
– Sắp tới, chương trình 504 đẩy mạnh hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG) nhằm vận động tài trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Chương trình chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; giáo dục nguy cơ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn theo tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế.
Tiếp theo là nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, chế tạo trang thiết bị phục vụ rà phá và xử lý bom mìn vật nổ.
Các đơn vị liên quan đẩy mạnh xây dựng dữ liệu quốc gia về các vùng ô nhiễm bom mìn, khu vực đã dò tìm xử lý bom mìn, dữ liệu nạn nhân bom mìn song song với triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an toàn cho người dân (khoảng 800.000 ha).
Thêm nữa, các bên liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách, phương pháp, hình thức hỗ trợ đối với nạn nhân bom mìn song song với đầu tư cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ nạn nhân bom mìn đều tiếp cận được chính sách và nhận được sự hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng…