Thấy gì từ lời hứa của Trung Quốc ở Biển Đông?

Thấy gì từ lời hứa của Trung Quốc ở Biển Đông?

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 năm nay, cùng chuỗi 20 hội nghị kèm theo, tuy trực tuyến “nhà ai, người ấy ở” và không chạm trán bằng xương bằng thịt song đang diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng hơn năm ngoái.

Thật vậy, không rõ có mấy nước ASEAN hoan hỉ và cả tin khi nghe Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trịnh trọng hứa hẹn với họ trên màn hình rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra yêu sách gì thêm nữa ở Nam Hải (tức Biển Đông) và rằng Trung Quốc sẽ không thực hiện bất kỳ động thái đơn phương nào để gia tăng tranh chấp về đường hàng hải này (theo tường thuật của báo South China Morning Post).

Không đầy một ngày trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu Đức làm rõ ý đồ phái khinh hạm Bayern của hải quân nước này đi qua Biển Đông, bằng không sẽ bị bác đơn ghé bến Thượng Hải – một câu hỏi mà suốt hải trình đi qua các bến Djibouti, Karachi, Diego Garcia, Perth… chẳng nước nào cật vấn.

Không chỉ Đức, hải quân Anh tuần rồi vô Biển Đông cũng bị Bắc Kinh lớn tiếng “ai cho vô?”. Các ngư dân Việt Nam hằng ngày đưa tàu ra vùng biển của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa đánh cá cũng thường xuyên bị ức hiếp.

Câu chuyện mà ông Vương Nghị và câu chuyện xét “giấy đi đường” của khinh hạm Bayern rõ ràng lộ ra là hai câu chuyện hoàn toàn khác về nói và làm của Bắc Kinh: không yêu sách gì nữa, song cứ xét hỏi.

Cũng may là không yêu sách gì hơn nữa, chớ với chừng đó yêu sách gom lại thành đường 9 đoạn cũng đã là 80% Biển Đông rồi, lấy chỗ đâu tàu bè các nước qua lại? Song đáng nói ở chỗ: những yêu sách mà ông Vương cho là tạm đủ (đường lưỡi bò) đã bị tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ cách đây 5 năm. Nên ông ấy có hứa không yêu sách gì thêm nữa cũng bằng thừa!

Rõ ràng chuyện chặn đường vào Biển Đông là điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi không thể chấp nhận.

Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng sự ASEAN hôm 3-8, ông Motegi cho biết Nhật Bản chống lại mọi nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông cổ võ: “Nay khi chúng ta đối mặt với thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, điều quan trọng là chúng ta phải duy trì và củng cố các nguyên tắc pháp quyền và minh bạch ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Điều mà ông Motegi chủ súy lại mâu thuẫn với điều mà ông Vương Nghị chủ trương, nên không lấy làm lạ khi nghe nhà ngoại giao Trung Quốc kịch liệt đả phá: “Chúng ta phải cảnh giác rằng các nước ngoài khu vực đang công khai can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải trong khu vực, gieo rắc mối bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, gửi một số lượng lớn tàu và máy bay tân tiến để khiêu khích tứ bề, và đã trở thành những kẻ phá hoại hòa bình và ổn định ở Nam Hải”.

Không dừng ở đó, ông Vương Nghị thuyết giảng các bộ trưởng ASEAN: “Nam Hải không là và không nên trở thành đấu trường giác đấu cho các trò chơi quyền lực lớn và chúng ta không thể cho phép chúng phá hoại tình hình hòa bình và ổn định tốt đẹp trong khu vực”.

Tất nhiên, không ai muốn không gian trước nhà mình biến thành võ đài của các “ông lớn” để bị mất an ninh. Đây là một luận điểm rất thuận lý lẽ thông thường cũng như luận điểm “cạnh tranh giữa các cường quốc”, nhưng nó lại là luận điểm dễ ru ngủ những ai quên đi đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả.

Luận điểm này, cùng với lời hứa “không đòi thêm yêu sách gì nữa” của ông Vương Nghị, dễ ru ngủ đối phương để làm quên đi những sự việc mà chỉ cần một chút hớ hênh sẽ ôm hận suốt đời. Tỉ như câu chuyện 200 tàu Trung Quốc dàn hàng ngang ở đá Ba Đầu mới đây.

Trong bối cảnh đó, South China Morning Post – một tờ báo của Hong Kong trước kia rất nổi tiếng và giờ có khuynh hướng thân Bắc Kinh – hôm 30-7 đã hoan hỉ loan tin các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN được nối lại sau khi bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19.

Thật ra, 20 năm trước, khi ký Bản tuyên bố ứng xử (DOC), mấy ai nghĩ (trừ một nước) có lúc bản tuyên bố bằng danh dự đó sẽ bị vi phạm đến mức phải được nâng lên thành một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents