Mỹ lo kiểm soát lạm phát sau dịch

Mỹ lo kiểm soát lạm phát sau dịch

 Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10-2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng theo năm cao nhất kể từ tháng 11-1990.

Mỹ lo kiểm soát lạm phát sau dịch - Ảnh 1.
Người mua hàng ở chợ thực phẩm ngoài trời ở Manhattan, New York (Mỹ) vào ngày 5-11 – Ảnh: AFP

Báo cáo này cũng gây thêm sức ép chính trị cho Tổng thống Joe Biden, trong lúc tỉ lệ ủng hộ dành cho ông giảm vì người Mỹ ngày càng lo lắng cho nền kinh tế. Tổng thống Mỹ khẳng định: “Lạm phát đang gây thất thoát túi tiền của người Mỹ và ưu tiên hàng đầu của tôi là đảo ngược xu hướng này”.

Thu nhập thực giảm

Cũng theo báo cáo đã nêu, giá một loạt hàng hóa, dịch vụ từ xăng dầu, chăm sóc sức khỏe đến hàng tạp hóa, giá thuê phòng… đã tăng vượt dự kiến trong tháng 10-2021.

Giá dầu tăng 12,3% trong tháng 10 và 59,1% trong năm qua. Giá năng lượng nói chung tăng 4,8% trong tháng 10 và tăng 30% trong năm qua. Giá thực phẩm cũng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm thực phẩm, thịt, gia cầm, cá và trứng tăng 1,7% so với tháng 9 và 11,9% so với năm ngoái. Giá dịch vụ y tế tăng 0,5% và là mức tăng cao nhất trong 17 tháng qua. Dữ liệu của chính phủ vừa công bố cho thấy lạm phát trong tháng 10 ở Mỹ cao nhất trong 31 năm qua.

Trên thị trường lao động, tình trạng thiếu nhân công tạm thời cũng đẩy mức lương tăng cao. Tuy nhiên, lạm phát đang khiến mức tăng lương không còn mấy ý nghĩa và sức mua cũng giảm. 

Một báo cáo riêng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thu nhập trung bình hằng tuần được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,9% trong tháng 10-2021 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cả tại Mỹ đang chịu nhiều áp lực, từ nhu cầu cao của người tiêu dùng, tình trạng thiếu nhân công cho đến những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng thiếu chất bán dẫn đang ảnh hưởng đáng kể đến ngành sản xuất ôtô và nhiều sản phẩm điện tử khác.

Bà Seema Shah, chuyên gia chiến lược tại Công ty Chief Global Investors, nhận định: “Lạm phát ở sẽ Mỹ còn xấu hơn nữa, trước khi tình hình được cải thiện”.

Mỹ lo kiểm soát lạm phát sau dịch - Ảnh 2.

Hệ lụy từ đại dịch

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng áp lực về giá hiện tại là tạm thời và liên quan đến các vấn đề cụ thể của dịch COVID-19.

Từ giữa tháng 10-2021, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã cảnh báo Mỹ nên chuẩn bị siết chặt các chính sách trong trường hợp lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.

Kênh truyền hình CNBC cho biết về cơ bản IMF đồng tình với đánh giá của FED và các nhà kinh tế rằng đà lạm phát trên toàn cầu hiện nay rốt cuộc sẽ giảm dần, song IMF cũng lưu ý rằng các dự báo này rất “không chắc chắn”.

Theo FED, vũ khí chính để chống lạm phát là tăng lãi suất. Cơ quan này đã không tăng lãi suất từ năm 2018. Trong vài tuần tới, FED sẽ bắt đầu giảm mua trái phiếu mỗi tháng để rút bớt lượng tiền bơm vào nền kinh tế.

Biên bản cuộc họp tháng 9-2021 của Ủy ban thị trường mở liên bang cho thấy các quan chức FED đang hoàn tất kế hoạch ngừng chương trình mua trái phiếu hằng tháng trị giá 120 tỉ USD được áp dụng từ năm ngoái để củng cố thị trường tài chính và nền kinh tế. Việc tăng lãi suất thì chưa thể diễn ra ngay mà được kỳ vọng vào cuối năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng cao chót vót vừa công bố của Mỹ làm thị trường chứng khoán chao đảo. Theo bản tin chính của Yahoo, cổ phiếu lĩnh vực công nghệ dẫn đầu các mã cổ phiếu giảm giá sau thông tin đó. Sàn chứng khoán Nasdaq đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 10.

Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Hội đồng Kinh tế quốc gia có các biện pháp để giảm hơn nữa giá nhiên liệu, yêu cầu Ủy ban Thương mại liên bang trừng phạt bất cứ hành vi thao túng thị trường hoặc trục lợi trong lĩnh vực này.

Ông Biden tin tưởng gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD vừa được thông qua có thể đảo ngược tình hình. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích, nhất là từ Đảng Cộng hòa, cho rằng việc chi thêm hàng nghìn tỉ USD chỉ làm cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên tồi tệ hơn.

Lạm phát của Mỹ khá ổn định trong những năm gần đây nhưng leo thang trở lại năm nay khi các doanh nghiệp bắt đầu nối lại hoạt động bình thường sau giai đoạn đóng cửa phòng dịch COVID-19.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments