Cái chết bí ẩn của cô gái tài năng gốc Việt ở tầng hầm Đại học Yale

Cái chết bí ẩn của cô gái tài năng gốc Việt ở tầng hầm Đại học Yale

Thi thể nữ nghiên cứu sinh Annie Le được tìm thấy trong tầng hầm Đại học Yale, đúng ngày cô định tổ chức đám cưới.

Ngày 13/9/2009, hơn 100 nhân viên pháp y và chuyên gia giám định xuống hầm ngầm trung tâm nghiên cứu động vật tại Đại học Yale thực hiện cuộc tìm kiếm quy mô lớn. Mục tiêu là Annie Le, 24 tuổi, người Mỹ gốc Việt, nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ, mất tích năm ngày trước.

Annie từ nhỏ nổi tiếng thông minh ham học “không đối thủ”. Cô thi vào Đại học Rochester với học bổng 160.000 USD và Đại học Yale danh giá với thành tích xuất sắc.

Annie thường một mình đến phòng thí nghiệm từ sớm, đêm mới đi bộ về ký túc xá, thậm chí nhiều lúc ngủ luôn trong phòng thí nghiệm. An ninh trong khuôn viên Đại học Yale được đánh giá rất tốt với hệ thống camera không góc chết nên người nhà không lo lắng, cho đến ngày 8/9/2009, khi chỉ còn 5 ngày nữa, Annie sẽ cùng bạn trai Jonathan tổ chức hôn lễ.

Là người mê công việc, 10h sáng hôm đó, Annie vẫn đến phòng thí nghiệm như thường lệ. Đến 22h, thấy cô vẫn chưa về, các bạn cùng phòng gọi điện thoại không được nên liên lạc với Jonathan.

Anh này nói đã một ngày không liên lạc với Annie, và cả cha mẹ cô cũng vậy.

Annie Le. Ảnh: Toutiao
Annie Le. Ảnh: Toutiao

Trong phòng thí nghiệm của Annie không có gì khác thường. Ví và điện thoại di động của cô vẫn trên bàn làm việc. Tầng hầm có rất nhiều dự án nghiên cứu bí mật nên Đại học Yale không lắp camera giám sát ở vị trí này. Do đó, cảnh sát chỉ có thể xem lại video giám sát lối lên xuống hầm ngầm và hai lối ra vào tòa nhà.

Họ thấy Annie đi xuống hầm lúc 10h, nhưng không thấy đi lên. Thậm chí lúc 12h55′, có chuông báo cháy, tất cả rời khỏi tòa nhà, nhưng cũng không có bóng dáng Annie.

Hầm ngầm có biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, không lối ra nào khác. Nếu Annie không có dưới hầm ngầm, chỉ còn một khả năng có người cho cô vào va ly hoặc túi đồ khá lớn rồi mang ra, vì Annie rất chỉ cao 1m50. Cảnh sát lại một lần nữa xem lại video để tìm người có thể mang Annie ra ngoài, nhưng không phát hiện gì.

Nghiên cứu lại toàn bộ quá trình điều tra, cảnh sát cho rằng Annie vẫn còn ở dưới hầm ngầm, vì vậy huy động hơn 100 người cùng tìm kiếm. Họ phát hiện cửa phòng thí nghiệm có dấu vết nghi là máu. Trên trần phòng thí nghiệm có một chiếc găng tay cao su, một chiếc tất màu trắng, một chiếc áo khoác phòng thí nghiệm màu vàng có dính vết máu và một hạt vòng nhỏ được cho là của Annie.

Các mẫu vật được tìm thấy tại hiện trường. Ảnh: Toutiao
Các mẫu vật được tìm thấy tại hiện trường. Ảnh: Toutiao

Những phát hiện này củng cố niềm tin cho đội tìm kiếm, họ tin tưởng nữ nghiên cứu sinh nhất định đang bị giấu ở một ngóc ngách nào đó dưới hầm.

Với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, thi thể cô gái 24 tuổi bị treo trên hộp kỹ thuật có diện tích 1,5 m2 được cảnh sát phát hiện phía sau một cánh cửa hộp kỹ thuật. Ngày Annie được tìm thấy cũng chính là ngày cô dự định tổ chức hôn lễ.

Trên người Annie có nhiều chỗ gãy xương nhưng nguyên nhân chết lại là bị siết cổ. Đối tượng tình nghi đầu tiên của cảnh sát chính là cậu bạn trai Jonathan. Nhưng sau khi điều tra, cảnh sát lại phát hiện tình cảm của Annie và Jonathan cực kì tốt, yêu nhau từ thời ở Đại học Rochester. Hôm xảy ra vụ án, Jonathan cũng có bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo.

Annie hiền lành, quan hệ xã hội cực kì đơn giản. Vì vậy cảnh sát chuyển trọng điểm điều tra đến những người có thể tự do ra vào hầm ngầm, nơi có mức độ bảo mật cực cao và chỉ rất ít người có quyền tiếp cận.

Hai người bị cảnh sát khoanh vùng là Raymond Clark II, phụ trách chăm sóc các loại động vật thí nghiệm dưới hầm và Larry, phụ trách bảo vệ các thiết bị dưới hầm ngầm. Họ có quyền đi lại tự do khắp các ngóc ngách của hầm ngầm. Hôm đó cả hai đều đi làm.

Raymond khai hơn 10h sáng có thấy Annie nhưng lúc 12h55′ nghe thấy tiếng cảnh báo hỏa hoạn liền chạy ra sớm. Khi tình hình ổn định, anh ta trở lại hầm ngầm, làm việc đến hơn 16h rồi ra về. Larry khai tương tự và khẳng định tan làm lúc 14h30′ và trở về nhà.

Cảnh sát xem lại video giám sát, xác nhận hai người không nói dối, ít nhất là về thời gian lên xuống hầm. Có điều bởi dưới hầm không có camera, không ai biết rốt cuộc hai người đã làm gì dưới đó.

Trong quá trình xem lại video về Raymond, cảnh sát phát hiện khi rời khỏi tòa nhà, dáng vẻ Raymond dường như có tâm trạng nặng nề. Đồng nghiệp đều nói Raymond hướng nội, ít giao lưu. Tuy nhiên khi cảnh sát hỏi Raymond và Annie có mâu thuẫn gì không, lại có người nói từng nhìn thấy tranh cãi, nguyên nhân hình như vì bất đồng trong việc đối xử với chuột bạch, nhưng sau đó hai người đã nhanh chóng giảng hòa.

Cảnh sát nhận thấy dưới hầm có rất nhiều cửa an ninh nên quyết định xem lại thông tin quẹt thẻ tại các cửa để kiểm chứng lại việc di chuyển của Raymond và Larry. Họ phát hiện, 11h- 12h10′ hôm xảy ra vụ án, Raymond ra vào phòng thí nghiệm của Annie đến 11 lần. Anh ta lập tức bị xếp vào diện đối tượng tình nghi số một, tiến hành điều tra trọng điểm.

Theo quy định, trước khi đi xuống hầm ngầm, nhân viên cần quẹt thẻ và kí tên vào sổ đăng ký tại cửa an ninh. Trong cuốn sổ đăng ký, Annie luôn kí tên bằng bút màu xanh lá cây, Raymond thì ký tên bằng bút màu đen, nhưng sau khi xảy ra vụ án, Raymond ký bằng màu xanh lá.

Xem lại một lần nữa video giám sát về Raymond, cảnh sát cũng phát hiện, khi đi xuống hầm ngầm lần đầu tiên lúc hơn 7 giờ sáng, Raymond mặc áo thí nghiệm màu vàng nhưng lúc chạy lên khỏi hầm ngầm do có chuông báo cháy lại mặc áo màu xanh, trên vai phải có một vết bẩn nghi là máu.

Đến lúc quay lại hầm ngầm, vết bẩn trên vai áo Raymond biến mất. Điều này có nghĩa sau khi xuống hầm ngầm Raymond đã thay áo, sau khi lên khỏi hầm lại thay áo lần nữa, trong vòng một ngày ít nhất thay đến ba chiếc áo. Đây rõ ràng là tình tiết không bình thường.

Camera tại lối ra vào hầm cho thấy Raymond tháy 3 chiếc áo trong buổi sáng xảy ra án mạng. Ảnh: Toutiao
Camera tại lối ra vào hầm cho thấy Raymond thay 3 chiếc áo trong buổi sáng xảy ra án mạng. Ảnh: Toutiao

Theo kết quả xét nghiệm, trên quần áo của Annie, chiếc tất dính máu, găng tay cao su và chiếc áo thí nghiệm màu vàng tìm thấy ở hiện trường đều tìm thấy ADN của Raymond.

Trước rất nhiều bằng chứng, Raymond không phủ nhận cáo buộc của cảnh sát, nhưng im lặng. Trong phiên tòa xét xử, Raymond xin lỗi người nhà Annie, thừa nhận “có trách nhiệm không thể chối cãi đối với cái chết của Annie”.

Ngày 17/3/2011, Raymond bị phạt 44 năm tù về tội Cố ý giết người, nhưng không chịu nói ra lí do sát hại. Cảnh sát suy đoán rất có thể Raymond yêu đơn phương Annie, nhưng tính cách hướng nội nên không dám ngỏ lời. Khi được biết Annie sắp làm đám cưới, Raymond không chịu được việc cô sẽ trở thành vợ người khác nên gây án.

Nhận định này cũng được bạn gái cũ của Raymond ủng hộ. Cô nói Raymond mắc chứng hoang tưởng ảo giác, có dục vọng khống chế rất mạnh, có thể đã bày tỏ tình cảm với Annie nhưng bị từ chối nên ra tay. Tuy nhiên việc Raymond yêu đơn phương Annie chỉ là phỏng đoán, ngoài nạn nhân và hung thủ, không ai có thể biết rõ động cơ thực sự.

Sau cái chết của nghiên cứu sinh gốc Việt tài năng, Đại học Yale thành lập quỹ học bổng lấy tên cô. Tiền của những người quyên tặng sẽ được chuyển đến quỹ học bổng Annie Le của trường Yale. Gia đình cô mong muốn những người gửi tiền phúng điếu cô sẽ chuyển cho quỹ này.

Đây là tổ chức giúp trẻ em của các cộng đồng có thu nhập thấp có cơ hội học hành lên cao bằng việc hỗ trợ học phí. Annie và vị hôn phu trước đó đã dự định gợi ý quà cưới cho họ được chuyển thành tiền cho tổ chức này.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents