Luật Đất đai là một bộ luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao…
Thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003; đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trên toàn quốc, chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là bộ luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề lớn từ chủ trương, quan điểm của Đảng, nhà nước đến hệ thống chính trị, người dân, hệ thống quản lý đất đai, đến các bộ, ngành, doanh nghiệp. Vì thế, theo ông Nguyễn Chí Dũng, nếu áp dụng theo hướng thắt chặt để thiên về quản lý tốt thì lại vướng mắc trong triển khai và câu chuyện hiện nay là một thực tế. Còn nếu quản lý lỏng, lại dẫn đến thất thoát, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Với lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những bất cập hiện nay đó là, chế độ sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa được thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư. Cụ thể, khái niệm đối tượng, chế độ cho thuê đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bị ách tắc với các dự án nằm ngoài khu công nghiệp; cần khuyến khích việc tích tụ đất nông nghiệp, cần phải phát triển theo hướng thị trường, quyền sử dụng đất thực hiện chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra 5 hạn chế liên quan đến việc thực hiện Luật Đất đai, đồng thời kiến nghị 8 nhóm vấn đề lớn đề xuất cần sửa đổi. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định tại Điều 23 có quy định nhưng chưa cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Cần quy định thống nhất giữa pháp luật về đất đai, và pháp luật về nhà ở, đầu tư và đấu thầu về việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, các trường hợp không thông qua đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất cũng phải được quy định thống nhất trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới.
Quy định rõ về việc nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, hay được chuyển mục đích sử dụng đất và trực tiếp thực hiện dự án mà không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
“Cần phân loại định nghĩa cụ thể về đất đô thị, đất nông thôn và đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn để có cơ sở đưa vào hệ thống số liệu thống kê, kiểm kê đất đai hằng năm, làm cơ sở để đánh giá nhu cầu và tốc độ phát triển của các đô thị. Hiện nay, tại các địa phương, diện tích đất xây dựng đô thị không được thống kê và phần đất dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như đất dành cho dự phòng phát triển không được tính toán chính xác, dẫn tới việc dự báo nhu cầu sử dụng đất không sát với nhu cầu thực tiễn. Từ đó gây lãng phí nguồn lực đất đai, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai’, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất với các công trình hỗn hợp đa năng như là căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, hay biệt thự nghỉ dưỡng; bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất với nhà đầu tư trúng thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Đất đai là một bộ luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao.
“Cần phải thể chế hóa cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, kết luận của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Chúng tôi đề nghị, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng bám sát quán triệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, phải bảo đảm chín muồi vừa kịp thời xử lý vướng mắc đang đặt ra, nhưng cũng phải bảo đảm để hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những biện pháp đặc thù mà chỉ mang tính chất tình thế. Vừa đảm bảo tính khả thi, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế dân sự về đất đai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là bộ luật quan trọng như Luật đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này; đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, các bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đầu tư kinh doanh, những vướng mắc, tồn tại, hạn chế do quá trình tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.
“Đặc biệt là phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm. Thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực về đất đai. Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương, đảm bảo đời sống việc làm cho người bị thu hồi đất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Cơ bản nhất trí với với kế hoạch triển khai tiếp theo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu quá trình soạn thảo vừa phải khắc phục tình trạng luật ống luật khung, vừa khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã chốt cứng trong luật, dẫn tới tuổi thọ luật ngắn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu phạm vi tác động của dự án luật, coi trọng việc đánh giá tác động một cách công khai, minh bạch, khách quan, những vấn đề mới mà chưa có quá trình nghiên cứu thì hết sức thận trọng. Đồng thời, quá trình tiếp thu, giải trình cũng phải luôn cầu thị, lắng nghe nhiều góc độ, đồng thời gạn đục, khơi trong.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” và gần 8 năm thi hành Luật đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được kết quả quan trọng, hành lang pháp lý được hoàn thiện đồng bộ, tài nguyên đất đai được quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; được chuyển dịch phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Các quyền của người sử dụng đất được hoàn thiện và đảm bảo tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tỷ lệ thu ngân sách từ đất tăng từ 9,58% năm 2013 lên 16,7% năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: quản lý nhà nước về đất đai vẫn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu.
Vì thế, việc sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm quan điểm, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Chính sách, pháp luật về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Nhà nước; sử dụng công bằng, hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ đất, khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai.
Buổi làm việc này tiếp tục khẳng định quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng luật với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ, không “ngồi chờ” thụ động.