Sống trong gia đình giàu có, John George Haigh trải qua tuổi thơ vây hãm, cô độc nên quyết trở thành kẻ bất lương.
Sinh ngày 24/7/1909 tại Stamford, Lincolnshire, John George Haigh chỉ có một vài chú chó của nhà hàng xóm là “bạn thân”. Một hàng rào cao quanh ngôi nhà do cha anh dựng lên, ngăn những ánh mắt tò mò hoặc bất kỳ sự tiếp xúc xã hội nào với thế giới bên ngoài. Dù vậy, John sớm chứng tỏ trí tuệ vượt trội và được trao hàng loạt học bổng suốt quãng đời đi học.
Năm 1934, qua mai mối của gia đình, John cưới với cô gái 21 tuổi và cuộc hôn nhân chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, kết thúc khi John bị bắt vào tháng 10/1934 về tội lừa đảo. Khi John ở tù, vợ anh ta sinh con nhưng lập tức cho đứa bé làm con nuôi và ly hôn.
John sau đó nhiều lần “ra vào” trại giam, chủ yếu các hành vi gian lận liên quan doanh nghiệp “ma”. Năm 1936, anh chuyển đến London và trở thành tài xế riêng cho William McSwann, chủ một công viên giải trí.
Cha mẹ muốn John tham tham vào việc quản lý kinh doanh của gia đình song anh ta một mực muốn “phát triển những kế hoạch riêng”. Kế hoạch này hoá ra là việc thiết lập văn phòng luật sư giả. Cuối cùng, John bị tóm khi một khách hàng nhận ra anh ta đã viết sai chính tả tên giả của mình trên một tài liệu pháp lý. John chịu án tù 4 năm.
Trong thời gian bị giam giữ này, anh ta nghiên cứu phương pháp phân giải cơ thể bằng nhiều dạng axit khác nhau, nghĩ mưu kế mới để trở nên giàu có thay vì vất vả kiếm sống.
Sau khi ra tù, John bắt đầu thực hiện kế hoạch. Năm 1944, John thuê một tầng hầm để lập xưởng hóa chất. Lúc này, John tình cờ gặp lại chủ cũ, ông Mac McSwan.
Mac rất vui, đưa John đến gặp bố mẹ anh. Trong cuộc hội ngộ thân tình, họ đã kể cho John nghe về những khoản đầu tư gần đây. Dù có công việc được trả lương hậu hĩnh tại công ty kỹ thuật, John vẫn ghen tị với lối sống xa hoa của McSwan. Vài tháng sau cuộc gặp gỡ, John dụ McSwan đến “xưởng” và đánh vào đầu khiến bất tỉnh.
John cho thi thể vào thùng phuy dung tích 150 lít, thực hiện kế hoạch phi tang. John thuyết phục được cha mẹ của McSwan rằng con trai họ đã đi trốn để tránh phải nhập ngũ, mạo danh gửi bưu thiếp giả cho từ Scotland. Cuối cùng, khi ông McSwan trở nên nghi ngờ, John cũng giết vợ chồng họ theo cách tương tự, tháng 7/1945.
Với việc giả mạo thư tin và chữ ký uỷ quyền của gia đình nhà McSwann, John đã giành được quyền kiểm soát hợp pháp với tất cả tài sản của họ và bán mọi thứ, kiếm được hơn 6.000 bảng Anh, tương đương 400.000 USD hiện nay.
Nghiện cờ bạc và tiêu hết tiền nhanh hơn dự kiến, John tìm một cặp vợ chồng giàu có khác để tiếp tục gây án. Lần này, “mục tiêu” là vợ chồng bác sĩ Archibald Henderson, 52 tuổi. Nuôi dưỡng mối quan hệ với hai vợ chồng, dựa trên niềm đam mê âm nhạc chung, John khiến họ tin cậy nên tiết lộ thông tin về tài sản.
John thuê một căn nhà ở gần các nạn nhân và bắt đầu thiết lập “xưởng” mới tại đây. Lần thứ ba, hắn thực hiện tội ác với vợ chồng bác sĩ Henderson vào ngày 12/2/1946.
Khi anh trai của nạn nhân tỏ ra nghi ngờ và định báo cảnh sát, John lấp liếm rằng vợ chồng bác sĩ đã di cư đến Nam Phi vì ông Henderson đã thực hiện một vụ phá thai bất hợp pháp. Người anh trai do đó bỏ hẳn ý định trình báo, còn John ẵm trọn số tài sản hơn 8.000 bảng Anh.
Tiền của Haigh một lần nữa bắt đầu cạn kiệt, chủ yếu là do cờ bạc và sở thích đắt tiền, bao gồm cả việc ở tại khách sạn hạng sang. Khi ở đó, anh ta giao du với quý bà giàu có 69 tuổi Olive Durand-Deacon.
Khi biết John làm việc tại một công ty kỹ thuật, bà đã bàn ý tưởng làm móng tay nhân tạo. John nhân cơ hội dụ bà đến nhà kho, “biến” thành nạn nhân thứ sáu.
Những người trong khách sạn lo lắng sau nhiều ngày bà Olive vắng mặt đã quyết định gọi cảnh sát và không ngần ngại bày tỏ mối nghi ngờ về John, người gần đây tỏ ra đặc biệt gần gũi với bà.
Văn phòng Hồ sơ cảnh sát Scotland Yard cung cấp hồ sơ tội phạm của John và cuộc đời anh ta được đưa ra ánh sáng. Trong khi đó, John vội vàng đến “xưởng” phi tang chứng cứ và mang nữ trang của nạn nhân đi bán.
Do John trước đó nói là giám đốc một doanh nghiệp hoá chất ở Sussex, cảnh sát đến dò xét song nhận ra chỉ là một tầng hầm ẩm mốc bỏ hoang, quây hàng rào thép gai. Đột nhập bên trong, nhà chức trách tìm thấy một số thùng phuy loại 150 lít, các thùng chứa axit sulfuric đậm đặc và một số bộ phận cơ thể.
Ngày 2/3/1949, John bị buộc tội giết bà Durand-Deacon và đã khai ra các nạn nhân. Hắn đổ tội cho người cha hà khắc và gia đình cuồng tín tới mức khiến chán ghét mọi sự lương thiện giả tạo, quyết tâm trở thành kẻ nổi loạn. Song hắn cũng tự tin đến ngạo mạn với lý luận “cảnh sát không thể buộc tội nếu không tìm ra thi thể”.
Giải thích về thái độ này, các nhà tâm lý học đều đồng ý rằng John bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không bị mất trí và hoàn toàn nhận thức được hành vi, lên kế hoạch tỉ mỉ. Một bác sĩ tâm thần kết luận John mắc chứng hoang tưởng, bệnh tâm thần giống như Hitler.
Ngày 18/7/1949, hơn 4.000 người đã tập trung vào thị trấn nhỏ Lewes với hy vọng có được một chỗ ngồi trong phiên xét xử “ma cà rồng John George Haigh” hay kẻ “sát nhân tắm axit”.
Bồi thẩm đoàn chỉ mất vài phút để trả tuyên John có tội, kết án tử hình. Ngày 10/8/1949, hắn bị hành quyết.
Trước khi chết, John được bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud yêu cầu một tượng sáp tử thần với nguyên mẫu khuôn mặt của anh ta. John vui vẻ nhận lời với điều kiện quần áo bức tượng sáp phải làm gống hệt anh ta với bộ quần áo yêu thíc, với quần tây được sơ vin gọn gàng, cổ tay áo sơ mi để lộ ra ngoài và tóc rẽ ngôi lệch.