Ngày 25-10, báo New York Times tiết lộ Facebook đã tiến hành nghiên cứu về tác động của nút ‘Like’, tính năng đã làm nên tên tuổi của mạng xã hội này. Kết quả cho thấy người dùng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực ngay cả khi họ có ẩn nó đi.
Người dùng trẻ vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực ngay cả khi Facebook ẩn nút “Like” đi – Ảnh: REUTERS
Báo New York Times tiết lộ nhóm các chuyên gia Facebook đã tiến hành thử nghiệm ẩn nút “Like” và các biểu tượng cảm xúc khác dưới các bài đăng trên hai nền tảng mạng xã hội khổng lồ Facebook và Instagram ở Úc vào tháng 9-2019.
Kết quả từ những thử nghiệm trước cho thấy nút “Like” và các biểu tượng cảm xúc tương tự là nguồn cơn cho cảm giác căng thẳng và lo lắng ở người trẻ khi bài đăng của họ có lượng tương tác thấp.
Tuy nhiên, thử nghiệm vào năm 2019 đưa ra kết quả đáng ngạc nhiên. Ngay cả khi ẩn toàn bộ nút “Like” và các biểu tượng cảm xúc khác, cảm giác lo lắng căng thẳng ở người dùng trẻ vẫn không có dấu hiệu thay đổi tích cực dù lượt tương tác với các bài đăng và quảng cáo giảm rõ rệt.
Trong bối cảnh Facebook đang lún sâu vào khủng hoảng vì những bê bối liên quan đến quyền riêng tư, thông tin sai lệch và nội dung thù địch, nghiên cứu về tác động của nút “Like” đặt ra câu hỏi liệu các thuật toán cốt lõi vận hành nền tảng này có đang gặp vấn đề hay không.
Ngoài nút “Like”, tháng 9-2020, Facebook cũng tiến hành nghiên cứu tác động của nút “Share” lên 3,5 tỉ người dùng trên Instagram, Facebook, Messenger và WhatsApp.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng những tính năng nền tảng như News Feed hay nút “Share” thường bị sử dụng sai mục đích và trở thành công cụ khuếch tán tin độc hại.
Trong một tài liệu nội bộ vào tháng 8-2019, nhóm nhà nghiên cứu kết luận cơ chế hoạt động cốt lõi của Facebook là mảnh đất béo bở cho thông tin sai lệch và nội dung thù địch tung hoành.
Trong những năm gần đây, Facebook đã thay đổi một số tính năng giúp người dùng dễ dàng ẩn bài đăng từ những nguồn họ không muốn xem và tắt chế độ gợi ý các nhóm chính trị để hạn chế lan truyền thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển của công ty và giữ chân người dùng, nhiều kiến nghị thay đổi quan trọng đã bị phớt lờ. Cuối cùng, thuật toán cốt lõi của Facebook về cơ bản vẫn không thay đổi.
Liên quan đến vấn đề này, báo New York Times trích tuyên bố của ông Andy Stone, phát ngôn viên của Facebook, nhấn mạnh: “Chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi cần tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, những cáo buộc cho rằng Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích cộng đồng khiến thế giới hiểu lầm về mục tiêu và tầm nhìn của công ty”.
“Facebook đã chi 13 tỉ USD và thuê hơn 40.000 nhân viên để đảm bảo cho sự an toàn của người dùng trên nền tảng mạng xã hội này. Hơn nữa, công ty luôn đề ra yêu cầu tuân thủ những quy định do chính phủ ban hành”, ông nói thêm.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm 6-10, giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg khẳng định thông tin cho rằng công ty ưu tiên phát tán nội dung độc hại là “phi logic”, và các thương hiệu sẽ không mua quảng cáo nếu đây là nền tảng lan truyền nội dung thù địch và thông tin độc hại.