Sau khi dương tính với COVID-19, cô Sophia Ankel bắt đầu mất khứu giác và vị giác. “Quái đản lắm, tự nhiên chẳng ngửi thấy mùi gì, ăn cũng không biết mặn ngọt thế nào. Vào thời điểm đó, mất khứu giác hoặc vị giác chưa được chính thức công nhận là triệu chứng COVID-19 nên tôi rất hoảng”, cô Ankel nói.

Hội chứng mùi Covid-19 làm cho ngửi gì cũng thối
Vì vậy, 3 tháng sau, khi mũi bắt đầu nhận ra một số mùi hương, cô Ankel rất phấn chấn. Nhưng đây lại là lúc cô gặp vấn đề nghiêm trọng khác. “Hơn 1 năm nay, mũi của tôi luôn ngửi thấy một mùi mà tôi gọi là ‘mùi COVID-19.’ Đây là mùi không giống như tôi đã từng ngửi thấy trước đây. Tôi chỉ có thể giải thích, đó là mùi hôi thối của rác thải, hành sống và mồ hôi nách,” cô nói.
Tình trạng này gây sự khó chịu và đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của Ankel. Mùi hành, tỏi được chiên trong dầu ô liu ngập tràn căn bếp đã từng là mùi hương yêu thích của cô nhưng giờ đã biến thành “mùi COVID-19.”
Một tách cà phê bốc khói nghi ngút vào buổi sáng – nghe hấp dẫn đó nhưng giờ cũng biến thành “mùi COVID-19.” Một bụi hoa hồng khổng lồ, đẹp rực rỡ trong công viên gần nhà nhưng cũng biến thành “mùi COVID-19.” Khi chồng ôm, cô Ankel cũng ngửi thấy “mùi COVID-19.”
Hội chứng Parosmia
Thuật ngữ khoa học chỉ sự biến dạng khứu giác này là Parosmia, gây ra do tổn thương các tế bào khứu giác ở trung tâm thần kinh. Nhiều người khỏi COVID-19 cũng chia sẻ những bất tiện trong cuộc sống do hội chứng Parosmia. Một phụ nữ nói rằng cô đang tham gia trị liệu khi bị hội chứng này khiến cô không thể hôn chồng. Một người khác cho biết, cứ nấu ăn, ngửi mùi chiên xào, là cô lại mắc ói.
Hiện chưa rõ số người bị hội chứng này, nhưng một nghiên cứu cho thấy 89% những người bị mất khứu giác do COVID-19 phục hồi trong 4 tuần, 11% còn lại không ngửi được gì nữa, hoặc lúc có lúc không. Giáo Sư Carl Philpott, đại học University of East Anglia nói: “Không ngửi được mùi thức ăn là vấn đề lớn, khiến bệnh nhân gặp vấn đề dinh dưỡng như giảm cân. Nó cũng dẫn đến cảm giác chán nản và cô lập.”
Tin tốt là một nghiên cứu cho rằng tình trạng mất khứu giác do COVID-19 sẽ được cải thiện. Ông Philpott khẳng định trong khi 90% mọi người có khả năng ngửi mùi trở lại trong vòng vài tuần sau khi nhiễm, thì với những người khác như Ankel có thể mất đến 3 năm.
Hiện chưa có phương pháp điều trị, nhưng cách để hồi phục nhanh là luyện tập khứu giác. Dù không phải là phương pháp chữa bệnh nhưng liệu pháp này là hình thức vật lý trị liệu cho mũi. Nó đòi hỏi bạn phải làm việc với các hương liệu khác nhau để kích thích và khuếch đại các dây thần kinh trong mũi. Nghiên cứu ban đầu cho thấy sẽ hiệu quả hơn nếu luyện tập và phục hồi với mùi của cỏ 3 lá, bạch đàn, chanh và hoa hồng.
Vì sao số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng gần 10 lần?
Thủ phạm là biến thể Delta?
Trước đây, mất khoảng 9 tháng, Mỹ mới có số ca nhiễm trung bình 100.000 ca/ngày vào 11/2020 trước khi đạt đỉnh ở mức 250.000 ca vào đầu 1/2021. Sau khi biến thể Delta phát hiện lần đầu ở Mỹ vào 3/2021, số ca trung bình hàng ngày cuối 6/2021 ở Mỹ là 11.000 và chỉ 6 tuần sau đã vọt lên con số 107.143.
Dù số ca nhập viện và tử vong có tăng nhanh nhưng cả 2 chỉ số này đều dưới mức được ghi nhận vào đầu 2021, thời điểm chưa có vaccine rộng rãi. Hiện Mỹ có hơn 44.000 người đang nằm viện điều trị, tăng gần 4 lần so với số người nhập viện vào 6/2021. Trong khi 1/2021, số ca nhập viện hơn 120.000 trường hợp.
Số ca tử vong trung bình hàng ngày cũng tăng. Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins, tính đến 6/8/2021, số ca tử vong trung bình hàng ngày gần 500 người, cao gần gấp đôi so với con số 270 người chết cách đó 2 tuần. 1/2021, số ca tử vong ở Mỹ là 3.500 người/ngày. Cần vài tuần nữa mới có thể có bức tranh toàn cảnh hơn về số người chết do COVID-19 liên quan sự gia tăng số ca nhiễm hiện nay, do các ca tử vong có độ trễ so với số ca nhiễm.
Tiêm vaccine khẩn cấp hơn bao giờ hết
Đáng lo là ở các bang miền Nam đang có tỉ lệ tiêm vaccine thấp nhất nước như Florida, Georgia, Alabama, Mississippi, North Carolina, South Carolina, Tennessee, và Kentucky. Các bang này chiếm 41% số ca nhập viện mới. Alabama và Mississippi có tỉ lệ tiêm thấp nhất với chưa tới 35% người dân đã tiêm đủ liều.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cảnh báo theo số liệu từ nhiều nguồn (cả nguồn đã công bố hoặc chưa công bố), biến thể Delta có khả năng lây nhanh hơn. Do đó, dịch COVID-19 gia tăng rộng hơn so với các biến thể khác, ngay cả người đã tiêm đủ vaccine.
Các ổ dịch ở Mỹ đều có sự liên quan biến thể Delta. Nguy cơ lây truyền virus lớn nhất là ở những người chưa tiêm vì họ dễ mắc bệnh hơn, từ đó truyền virus cho người khác. CDC cũng dẫn nghiên cứu ở Canada và Scotland cho thấy biến thể Delta gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng trước đây ở người chưa tiêm.

Đây cũng là lý do tại sao các khu vực chưa được phủ vaccine đang chiếm phần lớn số ca nhiễm COVID-19 và số ca nhập viện vì bệnh nặng ở Mỹ. Các trường hợp đã tiêm đầy đủ nhưng vẫn nhiễm ít hơn rất nhiều so với các trường hợp nhiễm COVID-19 do chưa tiêm. Những người nhiễm biến thể Delta, gồm cả những người đã tiêm đầy đủ và có triệu chứng, có thể truyền bệnh cho người khác.
Riêng các trường hợp đã tiêm có nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, CDC chưa biết họ có lây virus cho người khác không. Do đó CDC cảnh báo với biến thể Delta, việc tiêm vaccine COVID-19 khẩn cấp hơn bao giờ hết. Ngoài ra, CDC cũng khuyến khích người sống ở những khu vực có khả năng lây nhiễm cao nên đeo khẩu trang trong các tòa nhà công cộng, ngay cả khi đã tiêm vaccine đầy đủ.