Cấu trúc bay nhân tạo nhỏ nhất trên thế giới là một vi mạch xử lý nhỏ bằng hạt cát, có cánh, có khả năng tự phân hủy sinh học và giúp con người theo dõi mầm bệnh trong không khí.
Theo trang SciTechDaily, nhóm kỹ sư tại Đại học Northwestern thuộc bang Illinois, Mỹ, đã nghiên cứu và chế tạo thành công một vật thể bay siêu nhỏ, có khả năng giám sát mức độ ô nhiễm không khí và mầm bệnh trong môi trường ở quy mô lớn.
Những vi mạch này hoàn toàn không có động cơ. Chúng có cấu trúc hình cánh quạt, kết cấu dẹp và được cấu tạo bởi những linh kiện điện tử siêu nhỏ.
Bên cạnh bộ phận cảm biến, những cấu trúc bay nhân tạo này còn được trang bị nguồn điện, ăngten liên lạc không dây và bộ nhớ để lưu trữ dữ liệu.
Lấy ý tưởng từ quá trình phân tán hạt của cây, nhóm các nhà khoa học sử dụng mô hình máy tính để tối ưu hóa khí động học của mỗi bộ vi mạch, nhằm kiểm soát tốc độ và thời gian rơi của chúng.
Ông John Rogers, giáo sư tại Đại học Northwestern về khoa học và kỹ thuật vật liệu, cho biết: “Nhờ thiết kế đặc biệt, phần cánh quạt của vi mạch khi tương tác với không khí sẽ tạo ra những chuyển động quay ổn định và giúp chúng bay lâu hơn”.
“Từ đó, chúng sẽ thu thập đủ dữ liệu cần thiết để giám sát mức độ ô nhiễm không khí và đo nồng độ độc tố trong môi trường”, tờ Daily Mail trích lời giáo sư Rogers giải thích.
Ngoài ra, nhằm giảm áp lực rác thải điện tử đang đè nặng lên môi trường, giáo sư Rogers cùng các đồng sự đã sử dụng chất liệu hòa tan vô hại trong nước.
Nhờ đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ biến mất trong môi trường sau một thời gian nhất định.
Hiện các vi mạch siêu nhỏ này chưa được sử dụng trong môi trường tự nhiên, nhưng những phiên bản khác của chúng đã được phát triển để làm công cụ nghiên cứu bức xạ mặt trời và kiểm tra độ pH của các nguồn nước.