Mỹ có thể trừng phạt Nga bằng tiền số

Mỹ có thể trừng phạt Nga bằng tiền số

Mỹ có thể tìm cách hạn chế quyền truy cập vào hệ thống Bitcoin và Ethereum của Nga để tránh nước này “lách” lệnh trừng phạt.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (thuộc Bộ Tài chính Mỹ) có khả năng xử lý các sàn giao dịch tiền điện tử và các nền tảng tiền số khác vi phạm lệnh cấm giao dịch với các ngân hàng Nga nằm trong danh sách đen.

Marlon Pinto – Giám đốc Công ty tư vấn rủi ro AnotherDay có trụ sở tại Anh, cho biết tiền số chiếm một phần lớn trong hệ thống tài chính của Nga so với hầu hết quốc gia khác. Một báo cáo của chính phủ Nga ước tính rằng, có hơn 12 triệu ví tiền điện tử – nơi lưu trữ tài sản số, được mở bởi các công dân Nga với số tiền khoảng 2.000 tỷ ruble, tương đương khoảng 23,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, dữ liệu tháng hồi 8/2021 từ Đại học Cambridge chỉ ra, Nga là quốc gia đứng thứ ba về khai thác Bitcoin.

Theo công ty phân tích Elliptic, Iran – quốc gia phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Mỹ, bị hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu, đã sử dụng tiền điện tử để lách lệnh trừng phạt. Iran cho phép sử dụng dầu mỏ để cung cấp năng lượng khai thác Bitcoin. Nước này thu về tiền số để trao đổi hay sử dụng nó để mua hàng nhập khẩu. Điều này cho phép Iran tránh các lệnh trừng phạt với khoản thanh toán thông qua các tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc ban hành các biện pháp trừng phạt đối với tiền số sẽ rất khó khăn. Bản chất các loại tiền này được thiết kế để tồn tại không biên giới và phần lớn nằm ngoài hệ thống tài chính do chính phủ quản lý. Trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều các sàn giao dịch không thiện cảm trong việc hợp tác với cơ quan quản lý, không cung cấp thông tin về khách hàng và các giao dịch đáng ngờ.

Một trang trại khai thác tiền điện tử ở Norilsk, Nga. Ảnh: Bloomberg
Một “trang trại” khai thác tiền số ở Norilsk, Nga. Ảnh: Bloomberg

Chưa rõ tính khả thi của lệnh trừng phạt này nhưng trước mắt, giao dịch Bitcoin của người Nga đang tăng lên đột biến. Dữ liệu của Kaiko – đơn vị nghiên cứu tiền số có trụ sở tại Pháp, cho thấy khối lượng Bitcoin định giá bằng đồng ruble đã tăng lên gần 1,5 tỷ ruble vào cuối tuần trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Giao dịch tập trung trên Binance. Song song đó, khối lượng giao dịch giữa Bitcoinv à đồng Ukrainian hryvnia cũng tăng đột biến, nhưng không cao bằng mức tháng 10, diễn ra trên 2 sàn Binance và LocalBitcoin.

Các xu hướng tương tự cũng được bắt gặp ở Tether. Đây được xem là tiền số ổn định lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường, nhiệm vụ duy nhất là ổn định giá cho thị trường tiền điện tử thường xuyên biến động bằng cách duy trì tỷ giá 1:1 với USD. Dữ liệu của Kaiko cho thấy, khối lượng giao dịch giữa Tether và ruble cũng tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua, đạt 1,3 tỷ ruble vào cuối tuần rồi.

Khối lượng giao dịch tiền điện tử dựa trên đồng ruble tăng đột biến khi các nhà đầu tư tranh nhau tìm cách giảm tỷ lệ nội tệ Nga trong tài sản ròng. Việc này bắt nguồn từ lo sợ các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn của phương Tây. Đồng tiền của Nga đã giảm hơn 8% xuống 90 đồng đổi lấy một USD vào tuần trước và kéo dài đà trượt thêm 28% vào đầu ngày 28/2, đạt mức thấp kỷ lục 118 ruble ngang một USD.

Trong tuần rồi, chiến sự Nga – Ukraine đã đưa đồ thị giá Bitcoin, Ethereum và nhiều tiền điện tử khác lên chuyến tàu lượn. Dẫu có lúc thị giá Bitcoin thủng đáy 35.000 USD, cuối tuần này đã phục hồi cùng với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng các biện pháp giằng co giữa đôi bên có thể gây ra sự biến động mới, giá hàng hóa tăng vọt và lo ngại lạm phát làm chao đảo tâm lý thị trường.

Mikkel Morch – CEO Quỹ tài sản số ARK36 lưu ý rằng tình hình còn nhiều biến động và mức 40.000 USD vẫn là ngưỡng kháng cự. Trong khi đó, Alex Kuptsikevich – nhà phân tích tài chính cấp cao của FxPro, cho biết nếu tình hình ở Ukraine leo thang, Bitcoin có thể giảm xuống dưới 30.000 USD.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments