Giáo sư Nishimoto Kentaro thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản đã chỉ rõ sự khác biệt trong cách hiểu về UNCLOS giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, đồng thời nhận định, nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm giá trị của UNCLOS sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào.
Sự khác biệt trong quan điểm giữa Trung Quốc và các quốc gia khác liên quan đến vai trò của UNCLOS trong việc cung cấp khung pháp lý ở Biển Đông đã dẫn đến cuộc chiến công hàm trong suốt thời gian qua.
Tháng 12/2019, Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia, và cả Mỹ, Australia đều đã gửi công hàm, công thư phản đối các lập luận sai trái của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tháng 9/2020, 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức cũng đã gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Những công hàm nảy đã đặt ra các vấn đề như: cách diễn giải UNCLOS về những vấn đề cụ thể như các quyền lịch sử và đường cơ sở ở các quần đảo xa bờ…, cũng như sự không tuân thủ của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế.
Trong những công hàm gần đây, Trung Quốc nhấn mạnh quan điểm của nước này rằng: “UNCLOS không đưa ra khung pháp lý toàn diện cho các đại dương” và “UNCLOS vẫn tiếp tục được phát triển và cải thiện”, ám chỉ rằng UNCLOS vẫn có thể thay đổi.
Tuy nhiên, trong công hàm gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 3/8/2021, New Zealand đã nhấn mạnh đến tính toàn diện và thống nhất của UNCLOS, đặt ra khung pháp lý rõ ràng đối với các hoạt động trên biển được phép tiến hành.
Việc thiết lập các khu vực trên biển vì thế phải đảm bảo phù hợp với UNCLOS. UNCLOS được thiết lập nhằm “giải quyết các vấn đề liên quan đến luật biển. Trong khi có những vấn đề không được quy định trong UNCLOS tiếp tục được giải quyết bằng những quy định và nguyên tắc luật quốc tế khác thì điều này không liên quan đến việc thiết lập các khu vực trên biển hoặc các quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong những khu vực đó, vốn đã được quy định toàn diện trong UNCLOS”, công hàm của New Zealand nêu rõ.
New Zealand cũng dẫn ra việc mặc dù nước này tham gia nhiều thỏa thuận đa phương về biển thì những thỏa thuận này vẫn được thực hiện và nhất quán với UNCLOS, cũng như không làm giảm giá trị hay bẻ cong các quy tắc trong UNCLOS.
Trước luận điểm của Trung Quốc rằng UNCLOS vẫn đang được bổ sung và phát triển, tức là có thể thay đổi, giáo sư Kentaro Nishimoto chỉ rõ rằng, UNCLOS bao gồm những quy định rõ ràng về quyền hạn trên biển của các bên. Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế cũng nêu bật, UNCLOS cung cấp hệ thống pháp lý toàn diện về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), có thể thay thế bất cứ tuyên bố quyền lịch sử nào. Theo chuyên gia này, mặc dù UNCLOS vẫn tiếp tục được phát triển nhưng đây là một quá trình với những nỗ lực tập thể nhằm thiết lập các quy tắc nhất quán với khung làm việc chung của UNCLOS.
Ông Nishimoto nhận định, những lập luận của Trung Quốc nhằm làm giảm vai trò của UNCLOS sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào.
Tuy nhiên, những lập luận này đã đặt ra những vấn đề nghiêm túc về trật tự pháp lý ở Biển Đông, cũng như đặt ra những câu hỏi về cam kết của Trung Quốc với các quy tắc được quy định trong UNCLOS.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng khẳng định, trật tự pháp lý trên biển dựa trên UNCLOS nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tất cả các bên trong UNCLOS đều có nghĩa vụ, như chính Trung Quốc cũng từng tuyên bố rằng, cần diễn giải chính xác, toàn diện và trung thực, cũng như áp dụng các quy tắc về luật biển. Điều này không chỉ bao gồm mà còn là trung tâm của UNCLOS.