Cuối cùng Tổng thống Putin đã phá vỡ sự im lặng về nhà báo Dmitry Muratov vừa được trao giải Nobel Hòa bình. Ông cảnh báo nhà báo Muratov không dùng giải thưởng này làm “lá chắn” để vi phạm pháp luật Nga.
Hôm 13-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà báo Nga Dmitry Muratov sẽ không “che chắn” cho nhà báo này khỏi cáo buộc là “đặc vụ nước ngoài” nếu ông vi phạm pháp luật, theo Hãng tin AFP.
Tuần trước, nhà báo Muratov, tổng biên tập Novaya Gazeta (tờ báo độc lập hàng đầu của Nga), đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cùng với nhà báo điều tra Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines) vì nỗ lực đấu tranh cho tự do ngôn luận.
Sự công nhận dành cho ông Muratov được đưa ra trong bối cảnh hàng chục nhà báo Nga và nhiều tờ báo độc lập hàng đầu bị gắn mác là “đặc vụ nước ngoài” (thuật ngữ từ thời Liên Xô) trong năm nay.
Việc bị gắn mác như vậy sẽ buộc các cá nhân hoặc tổ chức phải tiết lộ các nguồn tài trợ. Họ phải gắn nhãn “đặc vụ nước ngoài” với tất cả ấn bản và các bài đăng trên mạng xã hội, nếu không sẽ bị phạt. Báo Novaya Gazeta hiện không bị coi là “đặc vụ nước ngoài”.
“Nếu ông ấy không vi phạm pháp luật Nga, và nếu ông ấy không tạo ra lý do để bị tuyên bố là đặc vụ nước ngoài, thì ông sẽ không bị gắn mác như vậy”, Tổng thống Putin phát biểu tại Matxcơva.
Tuy nhiên, ông cảnh báo nhà báo Dmitry Muratov không nên cố gắng núp sau giải Nobel Hòa bình và “dùng nó làm lá chắn” để vi phạm pháp luật Nga, cũng như “thu hút sự chú ý vào bản thân”.
Ông Muratov nằm trong nhóm các nhà báo đã lập ra báo Novaya Gazeta vào năm 1993 sau khi Liên Xô tan rã. Tờ báo này đã trở thành một trong số ít những tiếng nói độc lập còn lại tại Nga.
Trước đó, hôm 7-10, Điện Kremlin đã chúc mừng nhà báo Muratov ngay sau khi ông được xướng tên nhận giải Nobel Hòa bình 2021. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới: “Chúng tôi chúc mừng ông Dmitry Muratov. Ông đã kiên trì làm việc theo lý tưởng của riêng mình, đã cống hiến cho những lý tưởng đó. Ông là một người tài năng và dũng cảm”.