“Gởi đến Pháp và những nước đang theo Mỹ: Những gì các vị đang làm là tự giao nộp độc lập, chủ quyền của mình và phục vụ như tay sai của nước Mỹ”, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun phát biểu.
Phát ngôn của đại sứ Zhang được cho là nhằm đáp trả việc trong một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, đại diện Pháp đã đọc to tuyên bố chung của 43 nước tố Bắc Kinh “vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương.
Trong tuyên bố chung ngày 21-10, các nước này nói có những báo cáo “đáng tin cậy” cho thấy sự tồn tại của “các trại cải tạo và giam giữ tùy tiện” hơn 1 triệu người tại Tân Cương. Tuyên bố kết thúc bằng việc kêu gọi Bắc Kinh cho phép các quan sát viên độc lập quốc tế tiếp cận ngay lập tức và không bị kiểm soát.
Trung Quốc luôn bác bỏ những cáo buộc trên và đã tổ chức các đoàn ngoại giao đến thăm Tân Cương.
“Gởi đến Pháp và những nước đang theo Mỹ: Những gì các vị đang làm là tự giao nộp độc lập, chủ quyền của mình và phục vụ như tay sai của nước Mỹ nhưng lại nghĩ mình có thể giành được ưu thế bằng việc nghe theo lời một siêu cường.
Sự thật là các vị đang từ bỏ phẩm giá của chính mình và sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng từ nước khác nữa”, ông Zhang đáp trả cùng ngày 21-10.
Theo báo South China Morning Post, Đại sứ Trung Quốc cũng gọi việc các nước cùng lên tiếng tố cáo là “một âm mưu nhằm cản trở sự phát triển của Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ thất bại”.
Không dừng lại đó, ông Zhang còn công kích Pháp, chỉ ra những điều mà ông này cho là vi phạm nhân quyền của Paris. Chẳng hạn giết hại dân thường trong một chiến dịch quân sự ở châu Phi, trục xuất hàng chục ngàn người Romania và tình trạng phân biệt đối xử người Hồi giáo tại Pháp.
“Mỹ và một số quốc gia khác đã chọn đi theo con đường sai lầm, đi ngược lại với xu hướng thịnh hành của thời đại. Cuối cùng họ sẽ chỉ tự chuốc lấy ô nhục và trở thành trò cười của cộng đồng quốc tế cũng như lịch sử”, đại sứ Trung Quốc chỉ trích.
Các quan chức ngoại giao Trung Quốc luôn tỏ ra gay gắt trước những phát ngôn và hành động họ cho là đụng chạm đến lợi ích quốc gia, bôi xấu hình ảnh đất nước. Cách họ phản ứng từ lâu đã được giới phân tích gọi bằng thuật ngữ “ngoại giao chiến lang”, dựa trên một bộ phim cùng tên.
Phong cách ngoại giao này liên tục được sử dụng để đáp trả những phát ngôn tiêu cực liên quan các vấn đề mà Trung Quốc xem là chuyện nội bộ của nước này như Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.