Vận động dân Tết không về quê: Quá lạc điệu

Vận động dân Tết không về quê: Quá lạc điệu

Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng việc chính quyền địa phương vận động, khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết này là đi ngược chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Vận động dân Tết không về quê: Quá lạc điệu! - Ảnh 1.
Thư ngỏ của TP Thanh Hóa

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vừa có thư ngỏ kêu gọi người dân vận động người thân đang ở xa Tết này đừng về quê nếu không thật sự cần thiết.

Sáng 6-1, ông Lê Anh Xuân – bí thư Thành ủy Thanh Hóa – khẳng định đây là khuyến cáo, vận động người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết, chứ địa phương không cấm người dân đi lại, thăm người thân và gia đình vào bất cứ dịp nào chứ không riêng gì dịp Tết Nguyên đán.

Về quê ăn Tết có phải là cần thiết?

Phản hồi trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho hay do ảnh hưởng dịch bệnh và lệnh giãn cách để phòng dịch COVID-19, cả năm qua họ đã không về quê, chấp hành chủ trương “ai ở đâu ở yên đó”.

Người dân xa quê ai cũng mong muốn một cái Tết đoàn tụ bên gia đình, sau Tết lại vội vã rời quê tỏa đi các nơi để mưu sinh. Theo bạn đọc DK, cả năm dịch bệnh, nhiều người nằm giữa lằn ranh sinh tử, nhiều người mất mát người thân, Tết là dịp mọi người đoàn tụ để có thêm động lực vững bước trên những chặng đường phía trước.

“Tết sum họp mà ra chi văn bản yêu cầu không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết. Quá thừa!” – bạn đọc có nickname Hungpo bình luận.

Tương tự, bạn đọc tên Hà nhận xét: “Vắc xin thì tiêm 2-3 mũi hết rồi, mà Thanh Hóa còn chống dịch cực đoan như này thì cũng bó tay. Tết là dịp người dân mong muốn ở bên gia đình nhất. Như vậy thì còn gì là quê cha đất tổ nữa, quê hương không dang tay đón thì ai đón họ bây giờ?”.

Bạn đọc Lê Tấn Đời “dự đoán”: “Trước mắt họ sẽ vận động như vậy trước. Nếu không ổn thì có thể sẽ “rào” lại bằng nhiều quy định khó hơn (như xét nghiệm, cách ly…). Phần nhiều ai cũng hiểu chỉ là câu chuyện của quản lý. Đóng cửa thì dễ hơn rất nhiều so với mở cửa”. “Đường về nhà còn xa và gập ghềnh quá” – bạn đọc này cảm thán.

Nên thay đổi tư duy chống dịch

Bên cạnh một vài ý kiến đồng tình cần cân nhắc việc về quê dịp Tết để bảo đảm an toàn phòng dịch, hầu hết bạn đọc cho rằng việc vận động người dân không về quê dịp Tết này là quá lạc điệu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ.

“Dịch bệnh thì bây giờ cũng đã phần nào kiểm soát nhờ vắc xin và thuốc điều trị. Giờ mà vẫn mang tư tưởng cách ly với hạn chế hay giãn cách thì có quá lạc nhịp với xung quanh khi mà Chính phủ cũng khuyến khích nới lỏng các yêu cầu y tế, mở lại nền kinh tế cũng như các chuyến bay quốc tế” – bạn đọc DK bình luận.

Bạn đọc có biệt danh Lão Hạc dẫn số liệu trong thư ngỏ “Tính từ ngày 14-10 đến 30-12-2021 (77 ngày), TP Thanh Hóa đã ghi nhận 619 ca dương tính” rồi nhận xét: “Vậy là bình quân toàn TP mỗi ngày có hơn 8 người mắc mà đã tính ngăn sông cấm chợ, vận động người dân không về, trong khi quan điểm chỉ đạo chống dịch của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

“Chính phủ nỗ lực tiêm phủ vắc xin, mở cửa nền kinh tế để hỗ trợ các ngành hàng không, vận tải. Nếu tỉnh nào cũng như thế thì ngành vận tải có tồn tại được không, phải chăng bỏ tiền mua và tiêm vắc xin rồi hạn chế đi lại, như vậy có phải là lãng phí tiền của?” – bạn đọc Nguyenle đặt vấn đề.

Một số bạn đọc phản ứng gay gắt hơn khi cho rằng việc vận động người dân Tết không về quê là thể hiện “tư duy chống dịch cách nay hơn 3 tháng”, là “cán bộ sợ cực”. “Đã sống chung với dịch rồi mà còn suy nghĩ cổ lỗ sĩ như vậy thì đúng là mấy ông sợ trách nhiệm, sợ mất ghế, đẩy khó khăn cho dân!” – bạn đọc Hiếu Trương nói thẳng.

Nhiều bạn đọc cho rằng nếu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Thanh Hóa chỉ nên khuyến cáo, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm có được một cái Tết an toàn. “Người dân đi làm ăn xa, có mỗi một dịp Tết để sum vầy bên gia đình mà vận động như vậy khó thuyết phục được người dân” – bạn đọc Nam viết.

Bạn đọc Duoc Nguyen Tan thì “đúc kết”: Đại dịch sẽ phải kết thúc trong ý nghĩ của con người trước khi nó thật sự kết thúc trong thực tế!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments