Tăng trưởng kinh tế của Đức có thể thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay nhờ công ty khởi nghiệp BioNTech phát triển và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Trên đây là đánh giá của nhà kinh tế Sebastian Dullien, Giám đốc tổ chức cố vấn Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô (IMK).
Theo các ước tính của chuyên gia này, nền kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay, tiếp sau cú giảm 4,6% trong năm 2020 vì đại dịch. Điều này có nghĩa là, BioNTech và sự phát triển đột phá của hãng về một loại vắc xin ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA có thể chiếm khoảng 1/8 tăng trưởng GDP tổng thể trong năm 2021.
“Tôi không thể nghĩ ra một ví dụ nào khác mà trong đó, một công ty đơn lẻ có tác động lớn như vậy đến GDP của Đức”, ông Dullien trao đổi với Reuters.
Một quan chức chính phủ Đức bình luận rằng, hoàn toàn hợp lý khi ước tính tác động như vậy của BioNTech đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể của nước này trong năm nay.
Ông Dullien cho biết, với tư cách là một nhà kinh tế vĩ mô, ông thường không tính đến các công ty riêng lẻ. “Tuy nhiên, đôi khi có những trường hợp hiếm hoi các công ty riêng lẻ có liên quan đến kinh tế vĩ mô. BioNTech là một ví dụ như vậy”, ông nhấn mạnh thêm.
Tính toán của vị chuyên gia được dựa trên thu nhập mới nhất của BioNTech được công bố ngày 9/8, cho thấy công ty khởi nghiệp này dự kiến đạt doanh thu cộng dồn 15,9 tỷ Euro (18,63 tỷ USD) từ vắc xin trong năm nay, tăng so với ước tính 12,4 tỷ Euro trước đó.
Theo ông Dullien, con số đó xấp xỉ 0,5% GDP của Đức. Trong năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội của nước này vào khoảng 3,3 nghìn tỷ Euro.
“Vì BioNTech mua tương đối ít sản phẩm sơ chế từ nước ngoài, nên đây gần như là giá trị gia tăng hoàn toàn trong nước”, ông Dullien chỉ rõ. “Vì vậy, điều này có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế”.
Không giống như các hãng ôtô lớn của Đức sản xuất nhiều loại xe ở nước ngoài, BioNTech đang sản xuất vắc-xin tại một nhà máy ở Marburg thuộc miền tây Đức. Ngoài ra, công ty còn nhận được phí cấp phép từ đối tác Mỹ Pfizer.
BioNTech và Pfizer đã nhận được sự chấp thuận đầu tiên của thế giới đối với vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2020.
“Thành công của BioNTech thật ấn tượng”, ông Dullien thốt lên.
Nhà kinh tế học Carsten Brzeski của Ngân hàng ING cũng cho rằng tính toán của ông Dullien là hợp lý và mô tả câu chuyện thành công của BioNTech là phi thường.
“Không có nhiều công ty có thể từ số 0 vọt lên số 100 chỉ trong vòng một năm”, ông Brzeski bình luận thêm.