Tình trạng trồng cây thuốc phiện và sản xuất, buôn bán ma túy vẫn diễn ra tại Afghanistan bất chấp Taliban đã hứa sẽ dẹp bỏ ngành công nghiệp này để đổi lại các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là cách để Taliban đánh lừa các nhà tài trợ hay không?
Sau khi lực lượng Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, nhóm này cam kết sẽ biến Afghanistan trở thành một quốc gia không có ma tuý. Bởi việc duy trì sản xuất, buôn bán ma túy sẽ đồng nghĩa ngăn cản các nguồn viện trợ nước ngoài cho Afghanistan. Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại không giống như những gì họ cam kết.
Lời hứa của Taliban
Tình trạng trồng cây thuốc phiện và sản xuất, buôn bán ma túy vẫn diễn ra tại Afghanistan bất chấp Taliban đã hứa sẽ dẹp bỏ ngành công nghiệp này để đổi lại các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là cách để Taliban đánh lừa các nhà tài trợ hay không?
Trước hết, cần nhìn vào bối cảnh mà Taliban đưa ra lời hứa sẽ dẹp bỏ ngành công nghiệp trồng và chế biến thuốc phiện, ma túy tại Afghanistan. Đó là lúc mà lực lượng này mới giành được quyền kiểm soát đất nước, đang cần thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Còn ở trong nước, họ muốn thiết lập tính chính danh cho chế độ mới. Bởi vậy, việc lên tiếng về đảm bảo đẩy lùi ma túy là cách để họ đạt được mục đích. Việc thực hiện được hay không sẽ là một câu chuyện khác.Các số liệu thống kê cho thấy trong ít nhất 3 thập kỷ qua, việc trồng và chế biến thuốc phiện, ma túy tại Afghanistan chưa khi nào suy giảm. Chỉ duy nhất vào năm 2001, năm cầm quyền cuối cùng của Taliban trước khi bị liên quân nước ngoài do Mỹ đứng đầu lật đổ, sản lượng thuốc phiện và ma túy tại Afghanistan mới sụt giảm xuống mức thấp nhất. Sự sụt giảm này là do Taliban năm đó đã ban hành 1 lệnh cấm trồng và buôn bán thuốc phiện.
Tuy nhiên, năm 2001 chỉ là một trường hợp cá biệt. Sản lượng thuốc phiện và ma túy của Afghanistan gần như vẫn duy trì đều đặn và ở mức cao cả dưới chế độ Taliban lẫn dưới chính quyền dân chủ do phương Tây lập nên ở nước này. Giai đoạn Taliban cầm quyền đầu tiên, ngành công nghiệp thuốc phiện và ma túy ở Afghanistan vẫn lập vô số ‘kỷ lục’.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, diện tích trồng thuốc phiện tăng đều trong giai đoạn này, từ 41.000 hecta năm 1998 lên tới hơn 64.000 hecta năm 2000. Phần lớn diện tích này nằm tại tỉnh Helmand khi đó do Taliban kiểm soát. Sản lượng tại đây chiếm tới 39% tổng sản lượng thuốc phiện trồng bất hợp pháp trên thế giới. Trong 20 năm cầm quyền của chính phủ dân sự, tình trạng trồng và buôn bán loại chất gây nghiện này thậm chí còn khấm khá hơn.
Trong 2 thập niên đó, các vùng đất mà Taliban kiểm soát vẫn tiếp tục là các ‘vựa ma túy’ của Afghanistan. Tỉnh Helmand là ví dụ điển hình nhất. Nơi đây vẫn là thủ phủ của việc trồng thuốc phiện của Afghanistan. Chính bởi vậy, không có lý do gì để tin rằng Taliban sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng trồng thuốc phiện và chế biến ma túy tại Afghanistan.
Nguy cơ khủng bố ma túy ở Afghanistan
Ngành công nghiệp trồng thuốc phiện và chế biến ma túy vẫn tồn tài ở Afghanistan với các quy mô khác nhau trong vài thập kỷ qua. Giờ đây, khi mà đất nước này đã nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Taliban, khả năng ngành công nghiệp này nở rộ là hoàn toàn có cơ sở. Cần thấy rằng Taliban vẫn có các lợi ích từ việc duy trì trồng thuốc phiện bất hợp pháp.
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), canh tác thuốc phiện là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho người dân Afghanistan. Năm 2019, việc chăm sóc và thu hoạch thuốc phiện nuôi sống 120.000 lao động nước này. Taliban thu lợi nhuận thông qua các khoản thuế đánh vào mùa vụ thuốc phiện, hoặc gián tiếp thông qua khâu chế biến và buôn lậu mặt hàng này.
Theo đó, Taliban thu 10% thuế trồng trọt từ người nông dân trồng loại cây gây nghiện này. Vấn đề phát sinh ở đây là năng lực quản trị đất nước của Taliban hiện tại đang bị đặt dấu hỏi. Trong khi đó, tình hình an ninh đất nước lại đang rất phức tạp với sự bành trướng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K)- đối thủ đang muốn cạnh tranh và gây khó dễ cho vai trò cầm quyền của Taliban. Nếu Taliban có thể sử dụng việc trồng và chế biến thuốc phiện, ma túy để đi tới quyền lực, không khó để các nhóm vũ trang cực đoan, các tổ chức khủng bố khác tiếp tục sử dụng con đường này. Khi đó, các mạng lưới buôn bán ma túy sẽ bắt tay với các tổ chức khủng bố để hình thành và bảo kê cho việc kinh doanh của mình, đồng thời có nguồn thu để tuyển mộ binh lính và mua vũ khí. Sự kết hợp đó không chỉ gây thêm hỗn loạn cho Afghanistan mà còn đe dọa kéo cả khu vực và thế giới vào một mớ bòng bong về an ninh mới.
Hòa bình và một chính phủ vững mạnh là chìa khóa
Trong một tuyên bố sau khi ra mắt chính quyền mới, người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid đã khẳng định: “Hoàn toàn có thể, chúng tôi sẽ chống lại ma túy và Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan đang cố gắng xóa bỏ việc sản xuất thuốc phiện. Thế nhưng, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi thế giới giúp chúng tôi trao quyền cho nông dân và cung cấp cho họ những giải pháp thay thế để đảm bảo cuộc sống”.
Tuy nhiên, tuyên bố này không che lấp được đi 1 thực tế: hầu hết hoạt động sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan đều nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của Taliban. Có một thực tế khác là Mỹ đã chi gần 9 tỷ USD từ năm 2002 đến 2017 để chống lại hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc phiện tại Afghanistan. Thế nhưng kết quả là diện tích trồng cây thuốc phiện đến nay vẫn tăng gấp nhiều lần.
Vấn đề đặt ra là cần các giải pháp thay thế cho người dân Afghnistan để đảm bảo người dân có được cuộc sống ổn định, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng nặng nề. Hay nói cách khác rộng hơn, làm thế nào để từng bước thu hẹp tiến tới loại bỏ ngành công nghiệp nguy hiểm này.
Tuy nhiên, giải pháp cho vấn nạn trồng và buôn bán thuốc phiện, ma túy ở Afghanistan nằm ở phía nhà cầm quyền chứ không phải là người dân. Chừng nào chưa tạo lập được một chính quyền tự chủ, vững mạnh để đưa đất nước tiến lên, chừng đó thuốc phiện và ma túy vẫn là vấn đề của Afghanistan. Thế giới đã thấy Taliban sống nhờ ma túy nên không có gì lạ nếu họ tiếp tục duy trì ngành kinh tế này.
Ngay bản thân chính quyền vừa sụp đổ ở Afghanistan, vốn nhận gần chục tỷ USD của Mỹ để triệt phá ma túy đều cũng đã thất bại. Sản lượng ma túy của Afghanistan vẫn tiếp tục tăng trong gần 2 thập kỷ chính phủ thân phương Tây điều hành đất nước. Điều đó cho thấy sự bất lực trong điều hành đất nước và cả trong nỗ lực chống ma túy của chính quyền này.
Điều kiện thứ 2 để người Afghanistan từ bỏ ma túy là chiến tranh và khủng bố phải kết thúc tại mảnh đất này. Chừng nào mà bạo lực và loạn lạc còn diễn ra, người dân nơi này vẫn phải dựa vào thuốc phiện và ma túy để duy trì sinh kế và cuộc sống cho mình. Nói rộng ra, mọi ngành kinh tế chỉ có thể tồn tại nếu Afghanistan duy trì được sự ổn định và bình yên.