Hàng ngàn khách du lịch từ khắp thế giới được dự trù sẽ đặt chân đến Phuket International Airport bắt đầu từ 1/7, ngày Phuket Sandbox (Hộp cát Phuket) chính thức khai trương.
Phuket, nơi được mệnh danh là ‘thành phố ma’ trong thời đại dịch, bỗng dụi mắt thức dậy, rộn ràng đón khách phương xa, nguốn sống của hòn đảo với những bãi biển trước kia lúc nào cũng chật ních người.
Hơn 5,500 trong số du khách mê Thái Lan hiện đang xúm xít trong trang FB Phuket Sandbox, cập nhật tin tức và chia sẻ những thủ tục cuối cùng phải hoàn tất trước khi đáp chuyến bay đưa họ ‘trở về Phuket thân yêu’, như lời của một người Mỹ viết rằng ông ‘đến đây nghỉ hè hàng năm’.
Phuket đang mang trên vai trọng trách lớn. Hộp cát Phuket là nơi Xứ Chùa Vàng thử nghiệm chính sách cho du khách đã chích ngừa Covid được tự do đi lại trên đảo trong 14 ngày, trước khi được đến những địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Thái Lan.
Từ Phuket nhìn về Phú Quốc
Không chỉ chính quyền Phuket rộn ràng, mà Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cũng đang ráo riết theo dõi mọi diễn tiến để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời, nếu cần. TAT ước tính 130,000 du khách nước ngoài, và 600,000 khách nội địa sẽ đến đây từ giờ đến cuối tháng Chín.
Xa hơn một chút, có lẽ thành viên Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đang quan sát, mong rút tỉa kinh nghiệm của nước láng giềng.
Nếu thành công, Hộp cát Phuket sẽ giúp chính phủ Thái Lan tự tin để xúc tiến kế hoạch hoàn toàn mở cửa đất nước kể từ khoảng trung tuần tháng 10/2021. Và khôi phục ngành du lịch đóng góp hơn 65 tỷ đôla một năm cho GDP, với nước này, sau hơn một năm đại dịch, là mục đích tối quan trọng.
Phú Quốc, hòn đảo đẹp nhất Việt Nam, cũng gánh vác trọng trách tương tự.
Việt Nam và các công ty tư nhân gần đây, theo Asia Nikkei, bày tỏ tham vọng biến Phú Quốc thành điểm du lịch hàng đầu của khu vực, cạnh tranh với những thiên đường biển đảo khác như Phuket của Thái Lan và Bali ở Indonesia.
Phú Quốc với Phuket đúng là cặp kỳ phùng địch thủ.
Phuket, rộng 543 Km vuông, là hòn đảo vùng núi rừng nhiệt đới, là nơi có một số bãi biển nổi tiếng nhất Thái Lan, đa số nằm trong vùng nước trong xanh của bờ biển phía tây. Lớn hơn một chút xíu, Phú Quốc, với 574 Km vuông, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, được biết đến với những bãi biển cát trắng phau và các khu nghỉ dưỡng, hầu hết đều nằm dọc theo bờ biển phía tây nam rợp bóng dừa.
Về khung cảnh hữu tình, Phú Quốc có lẽ không thua Phuket, nhưng liệu điều đó có đủ khiến nó trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực, và giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh không, là một câu hỏi lớn.
Bà Vũ Kim Chi, tốt nghiệp thạc sỹ Quản lý khách sạn và nhà hàng – Đại học Toulouse Le Mirail, Pháp, từng là chuyên viên điều phối chương trình Đào tạo và phát triển nhân sự ngành Du lịch Việt Nam và các cơ sở lưu trú trong nước, hiện đang làm việc tại Bangkok, Thái Lan, nhận xét:
”Khi nói đến “cạnh tranh” và chỉ đích danh một địa điểm du lịch với mong muốn tìm chỗ đứng của mình trong khu vực, tham vọng và sự tự tin đó của Việt Nam là một tín hiệu tích cực tạo sự hứng thú và tò mò. Nó cũng là một thông điệp của sự hy vọng. Đây là một việc đáng hoan nghênh. Nhưng chắc chắn khi phát đi tín hiệu đó, ngành du lịch Việt Nam sẽ phải có những chuẩn bị kỹ càng để Phú Quốc thể hiện được năng lực cạnh tranh cần có.”
Ông Bobby Nguyễn, làm việc trong ngành du lịch từ năm 2000, hiện là CEO của Mekong Rustic và Crystal Holidays JSC, nói:
”Khi chưa có dịch Covid-19 thì Việt Nam mong muốn Phú Quốc thành một điểm du lịch biển đảo đứng ngang hàng cùng với Bali và Phuket. Đó là lý do cho chính sách rất thông thoáng để các tập đoàn lớn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng trên hòn đảo này với rất nhiều thương hiệu quản lý du lịch lớn đến đây như Marriot, Wyndham, Sofitel, Melia.
Khi đại dịch diễn ra, việc đưa Phú Quốc làm thí điểm như chính sách công bố về phát triển du lịch ở Phuket vừa có sự an toàn nhất định vì hòn đảo này biệt lập, vừa tận dụng được truyền thông và lợi thế về tài chính của các tập đoàn lớn đầu tư trên hòn đảo này.”
Phú Quốc, Phuket nơi nào hấp dẫn hơn?
”Xét về mặt tài nguyên như cảnh đẹp, văn hoá địa phương, các yếu tố làm nên bản sắc của một vùng đất du lịch, tôi chọn Phú Quốc. Tôi đã từng đến Phuket và một số địa điểm như Ko Samui, hay Krabi, ấn tượng của tôi về cảnh quan thiên nhiên của nước bạn không quá đặc biệt, so với Việt Nam tôi vẫn thấy nước mình được thiên nhiên ưu ái hơn.”
”Thế nhưng cách làm dịch vụ và phối hợp với nhau để cùng khai thác tài nguyên là một điểm đáng chú ý. Bạn có thể nhận thấy ngay điều đó khi bước chân đến sân bay Phuket, về cách họ điều phối các dòng xe vận chuyển khách chẳng hạn. Nó quy củ và có trật tự hơn, thuận tiện cho du khách chọn lựa để phù hợp với túi tiền và nguyện vọng, dù khách đi riêng hay đi với nhóm.” Bà Vũ Kim Chi so sánh.
Du khách ký tên tboneisatrên diễn đànTrip Advisor cho là Phú Quốc đẹp hơn:
”Nếu được chọn, tối sẽ đến Phú Quốc bất cứ lúc nào. Tôi thật ra không thích Phuket lắm. Bãi biển ở đây cũng đẹp nhưng có quá nhiều khu mua sắm, quá nhiều quán bar, nhà nghỉ v.v… Chúng tôi đã ở Phú Quốc gần một tháng, và rất yêu Phú Quốc. Bãi biển tĩnh hơn, và tuyệt vời để bơi lội (không có đá.., chỉ có cát). Chúng tôi đã có một kỳ nghỉ rất thư giãn, thức ăn ngon, và so với Phuket, Phú Quốc không phải là một thành phố bị ‘quá du lịch hóa’. Người Việt Nam thân thiện và dường như chân tình hơn, so với người Thái có vẻ khá thực dụng.”
Trên diễn đàn Bogleheads, du khách ký tên AlohaJoe nhận xét:
”Tôi đã đến Phú Quốc khoảng hơn chục lần và vợ tôi dự định sẽ đến đó khi có thể. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, Phú Quốc là nơi có lượng khách du lịch lớn – nhưng vẫn kém Phuket. Tôi lại thích Quy Nhơn hơn Phú Quốc và Mũi Né, vì tôi thấy Phú Quốc đang mất đi vẻ hoang sơ ban đầu của nó. Nếu bạn thích tiện lợi, thì Phuket tiện lợi hơn rất nhiều.”
Nhu cầu của du khách khi chọn một địa điểm du lịch rất khác nhau, vì thế có lẽ rất khó để cả quyết Phú Quốc và Phuket nơi nào thu hút khách nhiều hơn.
Nói về lợi thế của từng hòn đảo, ông Bobby Nguyễn nhận xét:
”Phú Quốc có lợi thế về tự nhiên như bãi biển đẹp, hải sản ngon và đa dạng, có nhiều điểm hoang sơ, có các khách sạn đẳng cấp quốc tế nhưng xét về góc độ các sản phẩm du lịch và hoạt động vui chơi giải trí và các hoạt động truyền thông quảng bá để lưu giữ khách lâu hơn thì Phú Quốc chưa thể bằng được Phuket.”
Ông phân tích:
‘Phuket được tổ chức một cách chuyên nghiệp, kết nối sản phẩm với các địa điểm khác, tạo thành 1 hệ sinh thái du lịch. Từ Phuket, khách có thể đến được rất nhiều tỉnh thành có hệ sinh thái du lịch tốt như Krabi hay Khaolak- Phangnga. Trong khi đó, Phú Quốc là một hòn đảo độc lập, cũng đang hoàn thiện các sản phẩm như khu vui chơi giải trí trên đảo hòn Thơm của Sun Group và các tour du lịch bằng tàu, các sản phẩm Safari như của Vin Group, nhưng hiện tại vẫn chưa trở thành một hệ sinh thái du lịch vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện trong khi Thái Lan đã làm rất chuyên nghiệp và có những chương trình kích cầu linh hoạt cho du lịch Phuket.”
Du lịch Thái Lan hơn du lịch Việt Nam những gì?
Khoảng 18 triệu khách ngoại quốc đến Việt Nam trong năm 2019, so với gần 40 triệu đến Thái Lan cũng trong năm đó.
Phú Quốc, thu hút khoảng hơn 3 triệu người trong năm 2020, so với hơn 9 triệu du khách hàng năm đến Phuket, là những điểm điểm đến quan trọng của hai nước cùng có chủ trương đầu tư nhiều vào ngành du lịch.
Du lịch Thái Lan đóng góp cho 12% GDP của nước này, với doanh thu dkhoảng 65 tỷ đôla trong năm 2019, trong khi du lịch Việt Nam hiện đóng góp cho 9% GDP của nước này, với doanh thu khoảng 32 tỷ đôla trong cùng thời gian.
So sánh ngành du lịch của hai nước, ông Bobby Nguyễn nói:
”Du lịch của Thái Lan đi trước và có kinh nghiệm hơn Việt Nam hàng chục năm về mọi mặt như nguồn nhân lực, cách thức phối hợp và vận hành giữa các ngành có liên quan nhanh và hiệu quả, quảng bá hình ảnh và chi phí cho việc xúc tiến quảng bá thì gấp 10 lần so với Việt Nam.”
”Về các sản phẩm du lịch và quảng bá, Thái Lan luôn có những hành động nhanh, thông điệp rõ ràng, nắm bắt thời cơ tốt và sản phẩm đa dạng về tự nhiên và văn hoá. Họ đã xây dựng xong các hệ sinh thái du lịch trong khi Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hệ sinh thái. Việc quảng bá du lịch của VN chưa được đầu tư mạnh mẽ về tài chính và có sự phối hợp chặt chẽ từ các thành phần liên quan để tạo ra một chiến dịch mang đậm dấu ấn Việt Nam.”
Bà Kim Chi đơn cử một vài thí dụ mà ông Bobby Nguyễn gọi là ‘hành động nhanh’, biết ‘nắm bắt thời cơ’ này:
”Chính phủ Thái Lan khá nhanh nhạy trong vấn đề vaccine nên có thể nói họ đang đi trước chúng ta một bước.”
”Năm ngoái, Bộ y tế nước này đã ký thỏa thuận để trở thành trung tâm sản xuất và phân phối cho Astra Zeneca vaccine tại Đông Nam Á. Ngay trong tuần đầu tiên của chương trình tiêm chủng đại trà (tính đến 7/6), khoảng 67% trong tổng số gần 500,000 dân cư tại Phú Quốc đã được chích ngừa, và sẽ hoàn thành mục tiêu 70% trước 1/7- ngày mà chiến dịch tái mở cửa Phuket được thực hiện qua chương trình Hộp cát Phuket, khởi đầu cho nỗ lực hồi sinh du lịch tại 10 điểm du lịch nổi tiếng nhất của nước này”.
”Chính phủ Thái Lan cũng rất năng động trong các mối quan hệ, chẳng hạn họ chủ động ký một số các thỏa thuận về hộ chiếu vaccine với nhiều quốc gia mà là thị trường khách du lịch chính của họ, điều chỉnh yêu cầu cách ly nhanh chóng, chẳng hạn cho phép du khách trở lại mà không phải cách ly 14 ngày nếu có hộ chiếu vaccine tại Phuket, tức là họ nhanh chóng thực hiện được các kế hoạch cụ thể một cách dứt khoát và có tổ chức.” Bà Kim Chi nói thêm.
Bà Sái Dịu, người có hơn 15 năm kinh nghiệm tổ chức những chuyến du ngoạn cho khách Việt Nam du lịch trong và ngoài nước, nhân viên điều hành tour của Beetours Việt Nam, nhận xét:
”Đối với người Việt thì sang Thái Lan rất thích, vì vừa đi tìm hiểu văn hóa lịch sử, vừa đi shopping, còn ở Việt Nam thì chỉ du lịch thôi, trong khi ở Thái thì có thể kết hợp với nhiều dịch vụ khác A, B, C, D nữa.”
Những dịch vụ khác, theo bà, là những ‘show sex’, hoặc những dịch vụ ‘happy endings’ mà Thái Lan không ngại quảng cáo trong khi, ‘ở Việt Nam nếu có làm thì cũng chỉ làm lén thôi vì chính phủ không cấp giấy phép vì không hợp với văn hóa Việt Nam.’
Về câu hỏi du lịch Việt Nam liệu có cạnh tranh được với du lịch Thái Lan không, bà Sái Dịu tỏ ra lạc quan.
”Tôi nghĩ là sẽ được, nhưng không biết phải cần đến bao lâu, có thể 10 hay 15 năm nữa. Cũng tùy chính phủ mình có hỗ trợ ngành du lịch đúng mức không, nhất là trong thời gian mọi người thất nghiệp nhiều vì đại dịch này.”
”Các tour của Thái Lan thoạt nhìn thì rẻ hơn tour Việt Nam, nhưng khách đến nơi thì muốn thêm bất cứ dịch vụ gì cũng phải trả thêm tiền. Còn du lịch nước mình thì khi đến nơi khách không bị tính thêm tiền. Vì mọi người chưa biết cách liên kết với nhau để chưa cung cấp được cho họ dịch vụ toàn vẹn nhất, cũng vì thế mình chưa khai thác được túi tiền của khách. Nếu mình biết cách tổ chức khôn ngoan hơn, chuyên nghiệp hơn, liên kết chặt chẽ với nhau hơn thì chắc chắn sẽ cạnh tranh rất tốt.”
Cần’sản phẩm du lịch đặc thù Việt Nam’
Trả lời câu hỏi Việt Nam phải làm gì để cạnh tranh, ông Bobby Nguyễn nói sẽ cần nhiều thứ, rồi đưa ra một loạt đề nghị:
”Thứ nhất, Việt nam phải coi du lịch là một ngành kinh tế chứ không thể xếp chung du lịch với văn hoá và thể thao được. Hiện tại, ngân sách quảng bá cho du lịch rất ít, thẩm quyền của tổng cục du lịch không có sức nặng để phối hợp và xây dựng, phát huy chiến lược lâu dài cho ngành du lịch mạnh mẽ hơn trong việc định hướng, phát triển và phát huy vai trò của một ngành mang lại giá trị kinh tế sâu rộng cho nền kinh tế Việt Nam.”
”Tổng cục Du lịch Việt Nam cần được trao quyền nhiều hơn hoặc như trước đây, tổng cục du lịch là cơ quan ngang bộ, trực thuộc chính phủ thì mới phát huy được sức mạnh. Hơn nữa, để có thể phối hợp với các ngành khác xây dựng chiến lược phát triển du lịch thống nhất bao gồm nguồn nhân lực, sản phẩm, truyền thông và tiếp thị cụ thể theo từng giai đoạn.”
”Thứ 2 là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hệ sinh thái du lịch cho du lịch Việt nam để Việt Nam là Việt Nam, không thể đem đi so sánh với Thái Lan hoặc Indonesia.”
”Thứ 3 là truyền thông đến các thị trường mục tiêu mạnh mẽ, điều này cần rất nhiều kinh phí và nỗ lực cho phát triển du lịch.”
”Thứ 4 là phải có nguồn nhân lực ổn định và chuyên nghiệp, xã hội hoá đào tạo về phát triển du lịch cho các thành phần tham gia gián tiếp và trực tiếp. Thứ 5 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng 1 cách đồng bộ như cảng hàng không, đường giao thông, cảng biển, cơ sở y tế, cơ sở lưu trú và ẩm thực, cơ sở vui chơi…”
”Về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có lợi thế với nhiều bãi biển đẹp, địa hình đa dạng cho các loại hình du lịch như Vinh Hạ Long, Như biển Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Việt Nam còn có lợi thế về đa dang văn hoá và giàu bản sắc dân tộc cũng như ẩm thực. Việt Nam cũng đã có rất nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Để phát huy được lợi thế đó thì cần xây dựng được các loại hình sản phẩm đặc thù là những hệ sinh thái khép kín bao gồm cảnh quan tự nhiên, văn hoá, ẩm thực và lưu trú.”
‘Sau cùng, Việt Nam cần đầu tư mạnh, nghiêm túc và chuyên nghiệp cho công tác truyền thông để quảng bá điểm đến hấp dẫn và an toàn cho thế giới.” Ông kết luận.