Phản ứng chậm của chính quyền thành phố Buffalo cùng tâm lý chủ quan của người dân khiến trận bão tuyết đổ bộ dịp Giáng sinh gây nhiều thiệt hại.
Suốt 14 tiếng liên tục ở thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ, nhân viên cứu hộ khẩn cấp Felicia Williams ngồi trong chiếc xe cấp cứu phủ đầy tuyết của mình, bất lực nghe điều phối viên trả lời vô số cuộc gọi báo tin về những người bị chết cóng hay các bà mẹ và trẻ sơ sinh mắc kẹt giữa bão tuyết. Trước mặt cô, 4 chiếc ôtô gặp sự cố nằm chắn ngang đường.
Khi Williams bắt đầu lo sợ rằng mình cũng có thể chết cóng trong xe, cô gái 26 tuổi cảm thấy tức giận vì chính quyền thành phố đã không hành động sớm hơn để ngăn mọi người ra đường trong trận bão tuyết tồi tệ nhất kể từ năm 1977.
“Tôi nghĩ rằng lệnh cấm đi lại nên được ban hành sớm hơn rất nhiều”, Williams nói.
Hạt Erie, nơi có thành phố Buffalo, ban hành lệnh cấm đi lại từ 9h sáng 23/12, khiến những người đang lái xe đi làm chỉ có đúng 41 phút để phản ứng với cơn bão đang ập đến.
Thời điểm ban hành lệnh cấm quá gấp gáp đã trở thành một trong những điểm gây tranh cãi gay gắt khi cơn bão đã cướp đi sinh mạng của 28 người tại Erie. Phát ngôn viên thành phố Buffalo Mike DeGeorge cho biết hơn một nửa số ca tử vong xảy ra ngoài trời, nhiều người thiệt mạng do bị mắc kẹt trong xe.
Trận bão tuyết ập đến ngay trước Giáng sinh, khi nhân viên nhiều cơ quan chính phủ đã nghỉ lễ. Nó cũng xảy ra vào thứ sáu, ngày nhiều người đến công ty lĩnh lương theo tuần, lên kế hoạch mua quà Giáng sinh, thực phẩm hoặc đồ dùng trước khi thời tiết trở nên đặc biệt lạnh giá.
“Hầu hết các cuộc gọi cầu cứu mà chúng tôi nhận được là từ những người bị mắc kẹt trong ôtô”, Williams nói. “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tiếp cận họ, nhưng sự thật là những người bị mắc kẹt đáng lẽ không nên ở đó”.
Chính quyền thành phố đã kêu gọi mọi người ở nhà và doanh nghiệp đóng cửa, nhưng chúng chỉ là khuyến cáo không mang tính bắt buộc. Vào ngày 22/12, một số người đã đề nghị chính quyền áp lệnh cấm ra ngoài ngay lập tức, song không được đáp ứng vì nhu cầu nhân lực lớn dịp cuối tuần trước nghỉ lễ.
Theo dự báo, sáng sớm hôm đó, trận bão tuyết lớn sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới Buffalo. 6 phút sau khi lệnh cấm ra đường có hiệu lực, Mark Poloncarz, người đứng đầu hạt Erie, chia sẻ trên Facebook rằng cơ quan khí tượng Buffalo đã ghi nhận sức gió từ 116 km/h đến 127 km/h. Gần 13.000 người đã bị mất điện.
Đến chiều 23/12, Williams là một trong rất nhiều nhân viên cứu hộ khẩn cấp bị mắc kẹt cùng với những người dân đang hoảng loạn trước cơn bão. Xe cứu thương không thể đến một số khu phố suốt hơn 24 tiếng. Tuyết rơi mù mịt và gió giật mạnh càng khiến các khu dân cư bị cô lập thêm.
Không giống các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trước đây thường tấn công những thị trấn nhỏ ở phía nam Buffalo, cơn bão lần này đổ bộ vào ngay thành phố, nơi tập trung dân cư đông đúc, gây tê liệt cơ sở hạ tầng.
Các quan chức thừa nhận họ tưởng rằng đã sẵn sàng đối diện với cơn bão. Hôm 27/12, cảnh sát trưởng hạt Erie John Garcia cho biết khi được thông báo sẽ có một cơn bão tuyết mạnh ập đến, ông đã nghĩ “đây là thứ chúng ta đã quá quen thuộc”.
Nhưng Garcia đã sai. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến thứ gì như thế trước đây”, ông nói.
Trận bão tuyết cũng thử thách các nguồn lực ứng phó khẩn cấp của một khu vực vốn đã thiếu hụt nhân sự, thiết bị và kinh phí do đại dịch. Tháng trước, 10% nhân viên cứu hộ khẩn cấp và nhân viên y tế bang New York đã nghỉ việc do lương thấp cùng công việc căng thẳng. Vấn đề càng tồi tệ hơn ở các khu vực nông thôn, như hạt Erie, nơi nhiều nhân viên cứu hộ khẩn cấp chỉ là tình nguyện viên.
Các nhân viên tuyến đầu ở Buffalo nói rằng ngay cả khi có một đội xe cứu thương và nhân lực đầy đủ, họ vẫn không phải là đối thủ của cơn bão khi tuyết rơi dày và gió giật dữ dội làm tê liệt các con đường, đồng thời gây mất điện diện rộng.
Để hỗ trợ, hàng trăm người dân lập nhóm trên mạng xã hội để cứu những người bị mắc kẹt trong ôtô và những ngôi nhà lạnh cóng do không được sưởi ấm, giao thuốc và đưa người cần hỗ trợ y tế đến bệnh viện.
Poloncarz cảnh sát và xe cứu thương không thể tiếp cận 2/3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạt Erie vì họ cũng bị mắc kẹt.
“Đó không phải điều đáng tự hào gì”, ông nói.
Trong cuộc họp báo ngày 27/12, cảnh sát trưởng Garcia cho hay giới chức không bao giờ có thể tưởng tượng được tác động của trận bão tuyết lại tồi tệ như hiện tại.
Nhiều cư dân của Buffalo sống trong các tòa nhà cũ với hệ thống cách nhiệt kém và sử dụng bếp điện, khiến họ gần như không thể giữ ấm nếu không có điện. Các nhà tổ chức cộng đồng cho biết vấn đề này đặc biệt tồi tệ ở khu vực phía đông thành phố, nơi có nhiều khu nhà ở xã hội, tập trung nhiều người thu nhập thấp. Thanh tra nhà ở Myles Carter cho hay trong những tòa nhà này, nhiều người đã sống mà không có thức ăn, điện hay nước sinh hoạt kể từ hôm 23/12.
Theo Carter, hiện tại chỉ có hai địa điểm trú ẩn còn mở cửa trong thành phố. Sau khi giải cứu gần 20 người, anh tự hỏi tại sao chính quyền thành phố không mở thêm trường học, nhà thờ và các tòa nhà chính phủ, đồng thời dự trữ thức ăn và chăn đệm cho những cư dân vốn đã phải chật vật để giữ ấm cho ngôi nhà của họ.
“Mọi người được yêu cầu trú ẩn tại nhà, nhưng nơi họ trú ẩn lại không an toàn”, anh nói. “Điểm mấu chốt là toàn bộ đất nước chúng ta biết trận bão tuyết này sẽ đến. Đáng lẽ chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn cho những người thiếu thốn và tình trạng khẩn cấp phải được ban bố sớm hơn”.
Tuy nhiên, DeGeorge, phát ngôn viên thành phố, cho biết chính quyền đã “thông báo về những trung tâm trú ẩn ấm áp trước khi cơn bão tuyết ập đến”. Tổng cộng, Buffalo có 4 địa điểm như vậy, nhưng hai cơ sở không thể hoạt động do mất điện. Nhà chức trách đã nhanh chóng mở thêm một địa điểm khác ở Nam Buffalo.
Các chuyên gia về thảm họa thừa nhận việc chuẩn bị ứng phó cơn bão là rất khó khăn, đặc biệt khi người dân thường có tâm lý không tuân thủ lệnh cấm ra đường, cho rằng cảnh báo có thể đã bị thổi phồng.
Trên thực tế, các quan chức hạt Erie đã đưa ra nhiều khuyến cáo và chuẩn bị đối phó trận bão tuyết này hơn so với cách đây 8 năm, khi một trận bão tương tự tấn công khu vực, khiến 13 người thiệt mạng và hàng nghìn người mặc kẹt trên đường phố hay trong nhà mà không có thức ăn.
Đến chiều 26/12, Melanie Sullivan đã trải qua 4 ngày không có điện cũng như không được sưởi ấm, bàn tay cô con gái một tuổi của cô đỏ ửng lên vì lạnh, mặc dù cô đã cố gắng hết sức làm ấm chúng bằng túi chườm.
Giống như rất nhiều người khác, khi gọi đến đường dây khẩn cấp để cầu cứu, Sullivan được thông báo rằng hoàn cảnh của cô chưa đến mức cấp bách hoặc cảnh sát không thể tiếp cận họ.
Bryan Brauner, giám đốc điều hành Twin City Ambulance, công ty vận hành xe cứu thương tư nhân, cho biết đơn vị của ông đã vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực suốt nhiều năm và một cơn bão tuyết như vừa qua đòi hỏi lượng lớn nhân sự cũng như trang thiết bị.
Ông cho rằng bang nên bố trí trước nhiều máy xúc tuyết, thiết bị hạng nặng và đội ứng phó để giúp đỡ các cơ quan địa phương trong giai đoạn tồi tệ nhất của cơn bão.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang New York George Borello cho biết trong khi Buffalo gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão này, nhiều địa phương nhỏ hơn vùng nông thôn đã phải đương đầu với những sự cố thời tiết khắc nghiệt như vậy từ lâu.
“Đây chắc chắn là một hồi chuông cảnh tỉnh khiến chúng ta phải củng cố các dịch vụ ứng phó khẩn cấp của mình”, ông nói. “Quan trọng là bang New York cần hỗ trợ nhiều hơn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về trang thiết bị và nguồn lực cho chính quyền các địa phương”.
Để ứng phó, cư dân đã phối hợp với nhau trong các nhóm lớn trên Facebook. Các thành viên đã giúp đưa một phụ nữ đến bệnh viện để sinh con sau khi dịch vụ 911 không thể đến và các đội cào tuyết cũng không thể tiếp cận nhà của cô. Họ cũng giúp chuyển thức ăn cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện và hỗ trợ một người đàn ông lớn tuổi bị tê cóng.
Nhân viên lái xe cứu thương Williams là một trong số đó. Sau khi được đội cứu hộ tình nguyện từ Seneca giải cứu vào sáng 24/12, được ăn uống và tắm nước nóng sau nhiều giờ đói rét, cô đã quay lại thực hiện nhiệm vụ của mình, đáp lại những lời cầu cứu trên Facebook. Cô lái chiếc xe tải cá nhân, bởi chiếc xe cứu thương vẫn mắc kẹt trong tuyết.