Các khu công nghiệp chế xuất phía Nam đã phục hồi sản xuất từ 50 đến 80%, số lao động trở lại làm việc 70 đến 75%, có địa phương tới 90%.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông tin trên, tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 8/11.
Theo ông, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động. Tuy nhiên, sau hơn một tháng “thích ứng an toàn, linh hoạt”, tình hình đang có tiến triển khả quan. “So với yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì các doanh nghiệp còn thiếu lao động nhưng không đến mức trầm trọng. Dự báo hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì thị trường lao động có thể trở lại như bình thường”, ông Dung nói.
Lãnh đạo ngành lao động cũng cho hay đã báo cáo Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động đi đôi với an sinh xã hội. Nội dung này nằm trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế – xã hội của đất nước. Các vấn đề lớn được đề cập gồm: Hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số nhóm lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi để duy trì, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân…
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình) nhận xét, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này làm gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Vì vậy, bà Ngọc đề nghị đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, sớm quyết định các gói hỗ trợ với thời gian thực hiện đến hết năm 2024.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC), cho rằng sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch “gợi ý cho chúng ta về một cách tiếp cận mới”.
Theo đó, vai trò các “siêu đô thị” như Hà Nội, TP HCM và các “đại công trường” ở miền Đông Nam Bộ rất lớn. Tuy nhiên, nếu các địa phương này vẫn ôm vào lòng mình các ngành công nghiệp, chủ yếu là gia công lắp ráp, sử dụng lực lượng lao động thủ công lớn với thu nhập thấp như hiện nay thì, một mặt, sẽ tiếp tục gây quá tải cho không gian đô thị và đời sống dân sinh, mặt khác, lại cạnh tranh thu hút đầu tư, chèn lấn sự phát triển của các địa phương khác nghèo hơn.
Ông Lộc cũng cho rằng mô hình “siêu đô thị” không bảo đảm phát triển bền vững bao trùm, và khó có khả năng chống chịu trước những cú sốc rồi sẽ xảy ra thường xuyên hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và các xung đột khác…
Vì vậy, ông nói Việt Nam rất cần xây dựng thêm đô thị trung tâm và chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm cực tăng trưởng mới để “chia lửa” cho Hà Nội, TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Qua đó, các thành phố lớn tập trung hình thành cơ cấu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại, thông minh, có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa.
Đồng thời, không gian kinh tế và thị trường lao động được phân bố theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn, “để con cháu chúng ta có thể ly nông, bất ly hương, có việc làm và làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà không phải cuốn về các nơi đô thành chật chội”.
Để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, ông Lộc kiến nghị bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, “cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù”.
Ông phân tích, Quốc hội đang bàn và quyết định cơ chế đặc thù cho các địa phương và Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công, “vậy sao chúng ta không ban hành cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh toàn xã hội trong 2 năm tới”.
Nội hàm của cơ chế đặc thù này có thể là: Rút gọn thủ tục, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện tối đa trên nền tảng trực tuyến, và không ban hành bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh thêm gánh nặng về thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
“Việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế, cũng là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo”, ông Lộc nói.
Ngày mai (9/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội.