Không biết từ lúc nào, chợ “chồm hổm” trước Đài Đức Mẹ La Vang của giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston, Texas, mà người ta thường gọi ngắn gọn là nhà thờ La Vang, đã trở nên nổi tiếng với nhiều người Việt sống trên đất Mỹ.
Chợ được nhóm vào mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần, từ 6-7 giờ sáng đến khoảng hơn 11 giờ trưa.
Hình ảnh rất lạ nhưng cũng rất quen đầu tiên đập vào mắt người đi chợ chính là cảnh mua bán “chồm hổm:” những bó rau, lọn cải, túi chanh, nhúm ớt, mớ cá, rổ tôm… tất cả đều tươi rói, được bày bán trên những tấm nylon trải trên mặt đất, sát vệ đường. Người bán ngồi xổm trên những chiếc ghế nhựa thấp lè lè hay ngồi trên những chiếc đòn gỗ thấp gần sát mặt đất. Người mua cũng ngồi xổm xuống để lựa hàng, hoặc không thì cũng lom khom nhìn ngắm những cọng rau mớ tép muốn mua.
Và, thân thuộc hơn bao giờ hết chính là những tiếng rao hàng, chào mời, trả giá mà không thể nào tìm thấy trong các chợ “super market.”
“Bao nhiêu một bó rau ngót vậy ông?” – “Hai đồng ($2), đáng hai đồng chứ không phải bán đắt đâu.” – “Ông cho cháu ba bó nhé!”
“Tép hôm nay ngon lắm. Mua đi, cô bán cho hai đồng đó.” – “Vậy lấy cho con 15 pound.” – “Mày lấy 20 pound luôn đi, ngoài chợ không có bán đâu, mang về đổ bánh xèo.” – “Không, con còn lấy tôm lớn nữa.” – “Ừa, hổm rày mới có tôm đó.” – “Con quên mang cooler để đựng, cô đựng vào hai bịch cho con nha cô.”
“Ông anh ăn rau dền nhé!” – “Ờ, lấy hộ tôi một bó.”
“Dưa này bao nhiêu một bịch?” – “Năm đồng ($5).” – “Thôi, bốn đồng đi.” – “Không được. Năm đồng, người đẹp. Năm đồng, ngon rồi, tới sáu trái lận.”
Không chỉ lao xao tiếng mời chào, mặc cả, mà đi chợ “chồm hổm” người ta còn được nghe cả những lời “bình luận,” hỏi thăm, chỉ vẽ cách chế biến khi nhìn thấy mớ rau, con cá mà ai đó mua được, đang xách trên tay.
“Ồ, đọt bí kìa! Em mua ở hàng nào thế?” – “Đọt bí ăn ngon nhưng chỉ tội mắc công tước.” – “Tước dễ mà. Đập tỏi bỏ vào xào. Ngon.”
“Cá này làm món gì? Kho tiêu à?”
Chợ “chồm hổm” nơi nhà thờ La Vang này đã hiện diện trong đời sống người dân nơi đây khá lâu, dễ chừng hơn 20 năm, với sự góp mặt đầu tiên của bà Giáp, nay đã vào tuổi 80.
Theo lời kể, bà Giáp bắt đầu bán rau ở đây từ khi mới sang Mỹ, không biết làm gì, thấy nhà trồng được ít rau thì mang ra đây bán. Người khác thấy bà bán được, cũng mang rau quả nhà trồng ra bán, cứ thế mà mỗi lúc một đông người hơn. Chợ “chồm hổm” từ đó mà thành. Và cũng trở nên nổi tiếng.
“Tôi bán ở chợ này hai mươi mấy năm rồi, lúc đó có mình tôi à. Khi mới ra bán, người trong nhà thờ đuổi quá chừng luôn, đuổi gớm lắm. Tui chạy đầu trên, chạy đầu dưới, cuối cùng họ cũng cho bán,” bà Giáp kể trong lúc tay thoăn thoắt nhặt rau, chăm chút lại những bó rau nơi chợ “chồm hổm.”
Bà tiếp tục, như tâm sự, “Hồi đó tôi mới sang có chuyện gì làm đâu, tôi trồng được tí rau, không cho tôi bán thì đem đâu bán giờ đây. Nói thiệt là hồi đó con bảo lãnh. Lúc đó sang đây thấy con cái công ăn việc làm cũng chưa đâu đến đâu, nếu mình không kiếm gì làm, cứ bám vào con thì cũng chết thôi, cho nên đi bán vậy.”
Ông Hoàng, chồng bà Giáp, trong bộ quần áo vest “bảnh bao,” cũng ra phụ vợ bán rau trước khi chuông lễ nhà thờ vang lên.
“Ngày xưa nhà thờ có tí tí thôi, nhưng người ta tập trung ngày càng đông nên giờ lớn ra như vậy đấy, tính ra đã hơn 40 năm rồi,” ông Hoàng nói.
Ông cho biết thêm, “Mọi người ở đây đều có mảnh vườn trồng rau, rồi ai có gì thì cứ mang ra đây bán. Tất cả đều trồng ở nhà. Bán sáng Chủ Nhật thôi. Người mua thường là người đi lễ. Có người mua trước khi vào lễ, có người đi lễ xong ra mua rau. Cũng có nhiều người đi ngang biết ghé mua. Có cả người Mễ, người Mỹ cũng mua.”
Bà Giáp tiếp lời, “Mới đầu tôi trồng rau muống, rau mồng tơi, rau đay, rau kinh giới. Trồng ít ít thôi. Rồi có người trồng nhưng không ra đây bán, mà bán cho mình. Mình mua bán lại, kiếm đồng ra đồng vào.”
Bà cũng cho biết, bà cũng như một số người bán ở chợ “chồm hổm” này, vào những ngày trong tuần thì ở nhà trồng rau, Chủ Nhật ra đây bán, vì “chỉ biết có chỗ này thôi chứ còn chỗ nào nữa đâu mà bán.”
“Ở đây, thường mình ngồi đâu thì cứ ra đó ngồi thôi, không có ai giành giật gì hết,” bà Giáp nói thêm.
Một điều khiến những ai đã từng một lần đến chợ chồm hổm này phải nhớ chính là hình ảnh của hai con chó bán hẹ, rất điệu đàng với mắt kính đen, nơ choàng cổ, cùng tấm bảng treo trên cổ thay lời chào mời. Hai con chó dễ thương này sẽ thay chủ trông nom quầy rau trong lúc bà chủ vào nhà thờ đi lễ.
Thật là ngộ nghĩnh khi nghe bà chủ mắng yêu hai con chó trước lúc vào nhà thờ đi lễ, “Mày không biết lấy tiền cho tao, tao chán quá! Mày lại còn không biết thối tiền nữa mới khổ đời ấy chứ!”
Một hình ảnh nữa cũng khiến người ta cảm thấy cảnh chợ nơi đây thật đặc biệt chính là có rất nhiều quý ông quý bà bán hàng hay đi chợ trong những bộ áo dài thướt tha hay áo vest trang trọng. Nếu có thêm ít nón lá và những chiếc giỏ, chiếc làn nữa thì ai cũng có thể nghĩ rằng mình đang đứng giữa một cảnh chợ thật sự nào đó ở Việt Nam, như thuở nào.
Một cặp vợ chồng trẻ, người cầm những bịch rau, người cầm chậu điên điển, cho biết, “Tụi em ở Austin, cách đây khoảng 3 tiếng lái xe, coi báo thấy nói về chợ này lâu lắm rồi nhưng giờ mới là lần đầu tiên tới đây.”
“Nghe nói bông điên điển ăn ngon nên em mua về trồng thử, bác kia bán $15 một chậu,” người chồng khoe và chỉ tay về phía cuối “chợ,” nơi có một chiếc xe van đang đậu với nắp xe được mở lên, trong có đầy những chậu điên điển.
Quả thật, chợ “chồm hổm” được nhóm vào mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần dọc theo bờ tường nơi nhà thờ La Vang ở Houston, Texas, đã trở thành hình ảnh thân quen với nhiều người dân sống quanh đây, và cả người Việt nhiều nơi cũng muốn một lần tìm đến để nhớ lại không khí chợ quê ngày nào, với lời chào hỏi ríu rít, với tiếng rao hàng lảnh lót, và có luôn tiếng trả giá thêm bớt rất đặc trưng, cùng với mọi thứ tươi non, xanh mướt.
Hy vọng một sớm Chủ Nhật nào đó, bạn cũng sẽ đặt chân đến nơi này, Đài Đức Mẹ La Vang của giáo xứ Đức Mẹ La Vang, địa chỉ 12320 Old Foltin Rd, Houston, TX 77086 để cảm nhận hết sự dân dã, mộc mạc nơi đây.