Thấy các tình nguyện viên, y bác sĩ chống dịch không dám về nhà vì sợ ảnh hưởng gia đình, anh Đinh Quốc Huy mời họ về ở miễn phí trong khách sạn của mình.
Sáng 10/7, Nguyễn Phước Hiếu, 23 tuổi, thức dậy muộn hơn thường ngày. Ba hôm nay, sau khi hỗ trợ bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, đi phát cơm cho các chốt chống dịch xong, chàng trai tình nguyện viên chống dịch không phải chạy xe máy 60 km về nhà ở Bình Dương giữa đêm nữa. Anh được ở lại khách sạn Ambassador, số 84A Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 của anh Huy.
“Tôi nghe các bạn tình nguyện viên, một số bác sĩ tâm sự, sau khi tham gia hỗ trợ chống dịch về, họ bị chủ nhà trọ phàn nàn, gia đình thì lo lắng vì sợ ‘mang dịch về nhà’. Thấy khách sạn của mình đang không có khách, tôi nghĩ mình có thể giúp họ có giấc ngủ ngon sau một ngày làm nhiệm vụ”, ông chủ khách sạn 35 tuổi chia sẻ.
Trước đây, anh Huy thường thuê lại các khách sạn, sửa chữa, trang trí lại nội thất để kinh doanh. Dịch Covid -19 năm ngoái, công việc của anh bị ảnh hưởng nặng nề nhưng được chủ cho thuê hỗ trợ nên vẫn còn xoay sở được sau nhiều lần phải đóng cửa. Năm nay, giữa lúc Sài Gòn đang căng mình với hàng trăm ca bệnh mỗi ngày, anh Huy nghĩ mình cần “phải chia lửa ngay”.
Đồng hành cùng anh Huy là anh Nguyễn Tuấn Khởi, người sáng lập tổ chức từ thiện “ngân hàng thực phẩm Việt Nam”. Trong những đợt dịch, doanh nghiệp của anh Khởi đã hỗ trợ hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho người dân nghèo trong thành phố. Người đàn ông này tình nguyện cùng anh Huy chia sẻ chi phí duy trì hoạt động của khách sạn và cung cấp mỗi ngày hai bữa ăn cho các “chiến sĩ tuyến đầu” đến lưu trú.
“Tôi trăn trở nhiều về từ ‘lãng phí’ nên muốn tận dụng các nhà nghỉ, khách sạn đang tạm đóng cửa để làm việc có ích hơn. Hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi tiện nghi, sạch sẽ cũng là cách chia sẻ gánh nặng với bác sĩ, bệnh viện, động viên tình thần cho các bạn tình nguyện viên trẻ”, anh Khởi cho biết.
Khách sạn của anh Huy hiện đang có 61 phòng, các phòng hai giường có thể ở hai người. Đón khách từ ngày 7/7, đến nay đã có hơn 60 tình nguyện viên, bác sĩ và phóng viên đến lưu trú.
Để hạn chế việc lây lan dịch bệnh, khách sạn chỉ dùng quạt thay cho máy lạnh. Tình nguyện viên đến phải gửi giấy kết quả xét nghiệm âm tính, giấy chứng nhận đang tham gia hỗ trợ chống dịch. Các bác sĩ thì phải được sự giới thiệu của bệnh viện.
Qua lời giới thiệu, Phước Hiếu đăng ký và là vị khách đầu tiên đến ở tại khách sạn cách đây bốn hôm. Tham gia làm tình nguyện hỗ trợ chống dịch từ đầu tháng 6, mỗi ngày chàng trai phải chạy từ Bình Dương lên Sài Gòn, tối lại về. Sợ con có thể bị nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến gia đình nên cha mẹ Hiếu nhiều lần phàn nàn, cấm con đi. Biết mình đang làm việc có ích nên chàng trai vẫn trốn đi.
“Thế nhưng, đôi lúc nghĩ đến việc vì mình mà gia đình có thể bị nhiễm bệnh, hàng xóm láng giềng bị ảnh hưởng, em cũng thấy bất an”, chàng trai làm nghề diễn viên nói.
Cũng đang ở trong khách sạn, Trần Hạ My, 25 tuổi cùng nhóm bạn 6 người nữa vừa bắt đầu làm tình nguyện viên lấy mẫu, nhập dữ liệu hồi đầu tháng 7.
Trong nhóm của My, có người bị xóm trọ không cho về vì sợ có thể lây dịch. Mọi người quyết định xin vào ở trong khách sạn của anh Huy.
Đang tạm nghỉ để chờ sắp xếp công việc mới, các cô gái nghĩ mình không thể ngồi không nên đến hôm thứ ba đã xin phép đi lau dọn thêm 12 phòng để đón người mới đến lưu trú.
“Anh Huy còn cho tụi mình mượn bếp để nấu ăn. Ngoài cơm của anh Khởi, tụi mình con được hỗ trợ thêm mì gói, trứng, sữa. Ban đầu, mình nghĩ mình đang làm việc phục vụ cộng đồng, giúp đỡ người khác nhưng thật ra, mình được nhận lại còn nhiều hơn những gì mình bỏ ra. Nhóm mình chẳng biết làm gì hơn ngoài việc phải tiết kiệm điện, tuân thủ khuyến cáo 5K”, Hạ My nói.
Hiện tại, vấn đề khó khăn nhất với những khách đến ở khách sạn đó là việc giặt đồ. Trong khi anh Khởi, anh Huy đang cố gắng kết nối một đơn vị dịch vụ có thể hỗ trợ thì Hiếu và những vị khách chủ động giặt, phơi trong nhà vệ sinh.
Sau gần một tuần hoạt động, hàng trăm người đã đăng ký đến ở. Tuy nhiên, chỉ với 61 phòng của một khách sạn, anh Huy và anh Khởi chỉ có thể hỗ trợ trong khả năng. Anh Khởi gọi đây là mô hình “Khách sạn cộng đồng”, ngoài hỗ lực lượng tuyến đầu, anh mong muốn có thể giúp thêm nhiều người gặp khó khăn vì dịch.
“Sài Gòn còn có nhiều nhà nghỉ, khách sạn rất tiện nghi nên tôi mong muốn có sự chung tay. Nếu đơn vị nào muốn làm Khách sạn cộng đồng, tôi và doanh nghiệp của mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ các bữa ăn miễn phí…”, anh Khởi nói.