Cuỗm số tiền 1,7 triệu USD ở ngân hàng Mỹ rồi “lặn” 50 năm, cảnh sát tìm ra cũng “bó tay”

Cuỗm số tiền 1,7 triệu USD ở ngân hàng Mỹ rồi “lặn” 50 năm, cảnh sát tìm ra cũng “bó tay”

Gã đàn ông biến mất cùng số tiền lớn được xem là một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ. 

Cuỗm số tiền 1,7 triệu USD ở ngân hàng Mỹ rồi "lặn" 50 năm, cảnh sát tìm ra cũng "bó tay" - 1
Bên trái là ảnh chụp Thomas Randele, sống tại Lynnfield, bang Massachusetts; còn bên phải là ảnh chụp Ted Conrad từ những năm 1960. Lực lượng chức năng xác nhận, cả hai là cùng một người. Ảnh: NBC Boston

Hãng CNN hôm 14/11 dẫn lời lực lượng chức năng địa phương cho hay, Theodore John Conrad là một giao dịch viên ngân hàng ở thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ, năm 1969. Vào cuối ca làm một ngày tháng 7 cùng năm, Conrad – khi đó mới 20 tuổi – đã lấy cắp 215.000 USD (tương đương 1,7 triệu USD ngày nay), nhét vào túi giấy rồi “lặn mất tăm”. 

Vụ việc được xem là một trong những vụ cướp ngân hàng lớn nhất tại thành phố Cleveland, theo lực lượng Cảnh sát Tư pháp Mỹ. 

Hơn 5 thập kỷ sau, cơ quan thực thi pháp luật liên bang hôm 12/11 tuyên bố đã xác định được Conrad – kẻ được cho là một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ. 

Từ năm 1970, Conrad sống tại thành phố Boston, bang Massachusetts, với tên giả là Thomas Randele, lực lượng chức năng địa phương cho hay. 

Một tiết lộ đầy kịch tính cho thấy, nhà của Conrad ở gần với nơi quay bộ phim “Thomas Crown Affair” – có nhân vật chính là kẻ lấy cắp hơn 2 triệu USD từ một ngân hàng ở Boston. 

“Một năm trước khi xảy ra vụ cướp ngân hàng ở Cleveland, Conrad bị ám ảnh bởi bộ phim Thomas Crown Affair”, lực lượng Cảnh sát Tư pháp Mỹ cho hay. “Bộ phim dựa trên vụ cướp ngân hàng của một doanh nhân triệu phú, và Conrad đã khoe khoang với bạn bè về việc lấy tiền từ ngân hàng hắn đang làm việc dễ thế nào”. 

Nhiều thập kỷ truy lùng

Ba ngày sau vụ việc, giới chức ngân hàng mới phát hiện số tiền bị thiếu hụt khi Conrad không đi làm. Vụ án sau đó cũng “nguội” dần. 

Trong 5 thập kỷ, các nhà điều tra đã theo dõi tung tích của Conrad ở nhiều bang khác nhau, gồm California, Hawaii, Texas và Oregon.  

Sau thời gian dài điều tra, giới chức liên bang đã đến bang Massachusetts vào tuần trước và xác nhận, Conrad đang ở thành phố Boston với tên giả. Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã so sánh các tài liệu những năm 1960 với các thủ tục giấy tờ mà Conrad đổi tên là Randele. 

Tuy nhiên, Conrad đã chết vì bệnh ung thư phổi hồi tháng 5 năm nay tại thị trấn Lynnfield, bang Massachusetts, theo lực lượng Cảnh sát Tư pháp Mỹ, thọ 71 tuổi.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments