Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại “tác nhân xấu” tại châu Á

Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại “tác nhân xấu” tại châu Á

Đô đốc Linda Fagan, phó tư lệnh Tuần duyên Mỹ, nhấn mạnh lực lượng này sẽ mở rộng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm chống lại “tác nhân xấu”, bao gồm các hành vi bắt nạt trong hoạt động đánh bắt cá.

Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại tác nhân xấu tại châu Á - Ảnh 1.
Tàu tuần duyên Munro của Mỹ (trên) tuần tra, diễn tập chung với tàu của tuần duyên Nhật Bản – Ảnh: TUẦN DUYÊN MỸ

“Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã có cam kết với Bộ tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng chương trình đóng tàu lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II”, nữ đô đốc Fagan nhấn mạnh trong một hội nghị về an ninh hàng hải tại Hawaii ngày 8-9.

Bà Fagan, người từng là chỉ huy Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nhấn mạnh Tuần duyên Mỹ đang hướng tới việc tăng cường năng lực thông qua việc đóng thêm các tàu mới.

Theo bà, hơn 100 tàu tuần duyên đã được biên chế, trong đó có 25 tàu tuần tra xa bờ, 64 tàu tuần tra tốc độ cao có khả năng hoạt động tới 16.000km.

“Những điều này sẽ giúp chúng tôi mở rộng khả năng can dự và hợp tác trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo cách chưa từng có tiền lệ”, phó tư lệnh Tuần duyên Mỹ khẳng định.

Ngoài nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, tình trạng không kiểm soát và không báo cáo (IUU), sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ còn nhằm đối phó với “tác nhân xấu” tại châu Á, theo bà Fagan.

Hiện Mỹ đã thiết lập đội tàu tuần duyên phản ứng nhanh tại đảo Guam và củng cố quan hệ với lực lượng tuần duyên của các đảo quốc Thái Bình Dương, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại tác nhân xấu tại châu Á - Ảnh 2.
Tàu tuần duyên Munro diễn tập với tàu của tuần duyên và cơ quan bảo vệ ngư nghiệp Philippines vào cuối tháng 8-2021 – Ảnh: TUẦN DUYÊN MỸ

Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Blake Converse, phó tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét IUU không đơn thuần là vấn đề dân sự mà nó còn liên quan đến ngoại giao, an ninh và chính trị vì có yếu tố nhà nước.

Ông khẳng định chống IUU là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ đang thực hiện.

Theo ông Converse, Mỹ sẽ giúp các quốc gia nhỏ và thiếu nguồn lực chống lại hành vi “săn mồi” trên biển, ám chỉ Trung Quốc và đội tàu cá khổng lồ của nước này, bao gồm các tàu dân quân biển ngụy trang thành tàu cá.

Chuẩn đô đốc Mỹ khẳng định Washington sẽ chia sẻ thông tin với những đảo quốc nhỏ bé và một số quốc gia khác, để các nước có thể chống lại “các tàu thuyền, đội tàu đánh cá được nhà nước bảo trợ đang đe dọa các tàu đánh cá nước khác”.

“Mặc dù hải quân có thể không phải là thứ đầu tiên mọi người thường nghĩ tới khi nói đến chống IUU, tôi cam đoan với các bạn rằng chúng tôi đang rất đầu tư vào nhiệm vụ này”, ông Converse khẳng định trong hội nghị ngày 8-9.

Các phát ngôn của giới tướng lĩnh Mỹ được xem là đáng chú ý trong bối cảnh Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc vừa có hiệu lực hôm 1-9.

Theo luật này, các tàu thuyền nước ngoài khi đi vào “vùng lãnh hải của Trung Quốc” phải khai báo thông tin, bao gồm cả tàu quân sự nếu Bắc Kinh cho rằng tàu này đe dọa an ninh hàng hải.

Hải quân Mỹ đã có câu trả lời cho luật này hôm 8-9 bằng việc đưa tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh một thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông.

Sự kết hợp giữa hải quân và tuần duyên Mỹ dựa trên nền tảng là “Chiến lược ba lực lượng hàng hải” được công bố hồi tháng 12-2020. 

Giới quan sát tin rằng đây là giải pháp đối phó với chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc đã sử dụng để thúc đẩy yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Các tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần thách thức yêu sách của Trung Quốc và dẫn đến tâm lý lo ngại tại khu vực Đông Nam Á, sợ bị cuốn vào cạnh tranh Mỹ – Trung và bị buộc phải chọn phe.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents