Sự sống gần các khu rừng nhiệt đới đang thay đổi nhanh chóng khi số ca tử vong ngày càng gia tăng và thời gian con người có thể làm việc ngoài trời ngày càng giảm do tình trạng nắng nóng cực đoan.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận như vậy trên tạp chí Lancet Planetary Health ngày 11/11, đồng thời cho rằng hành động phá rừng và biến đổi khí hậu sẽ chỉ càng gây ra những hậu quả tồi tệ hơn.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (TNC) đã phân tích mối liên hệ giữa tình trạng tăng nhiệt độ Trái Đất và sự gia tăng số ca tử vong do nắng nóng, cũng như điều kiện làm việc không an toàn đối với các cộng đồng ở những quốc gia ở vĩ độ thấp như Indonesia. Nghiên cứu của TNC đã phân tích tình trạng phá rừng qua vệ tinh và những dữ liệu về nhiệt độ Trái Đất, cũng như số liệu về dân số ở khu vực Berau với đa số là rừng trên đảo Borneo ở Indonesia từ năm 2002 đến năm 2018.
Kết quả cho thấy nhiệt độ Trái Đất đã tăng gần 1 độ C trong thời gian trên, làm tăng thêm 8% số ca tử vong, tức là tăng 110 người tử vong mỗi năm chỉ riêng tại khu vực Berau. Ngoài ra, thời gian nắng nóng cực đoan trong ngày gây ảnh hưởng đến điều kiện làm việc ngoài trời, cũng tăng thêm 20 phút mỗi ngày.
Theo các nhà nghiên cứu, chặt phá rừng có tác động rất lớn đến việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về ngăn chặn tình trạng ấm lên của hành tinh vì cây xanh hấp thụ hơn 30% lượng khí thải carbon (được cho là một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên) trên toàn thế giới. Rừng cũng cung cấp lương thực và thu nhập, giúp làm sạch không khí và nguồn nước, hỗ trợ sức khỏe con người và động vật hoang dã, điều tiết lượng mưa và giúp hạn chế lũ lụt.
Theo số liệu của Tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu (GFW), diện tích rừng nhiệt đới bị biến mất trong năm ngoái tương đương với diện tích của đất nước Hà Lan. Nghiên cứu chỉ ra rằng số ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu do tình trạng nhiệt độ Trái Đất ấm lên gây ra có thể tăng thêm 20% so với mức của năm 2018 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức hơn 2 độ C. Theo đó, các cộng đồng sẽ càng phải làm việc trong những điều kiện không an toàn vì nắng nóng cực đoan.
Hiện nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), có thể là cơ hội cuối cùng để các nước có thể tiến tới hành động nhằm hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đến 2 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.