Khánh An đứng ngồi không yên suốt cả ngày, chưa thể quyết định liệu cô có nên chạy ra ngân hàng rút tiền vội như bạn bè ở Nga.
“Tôi đang chuẩn bị đi rút tiền. Chuẩn bị xong hết rồi nhưng vẫn phân vân có nên ra ngân hàng hay không. Mọi người ở Moskva đi rút tiền rất nhiều”, Khánh An, nghiên cứu sinh tại Nga, trả lời VnExpress vào 14h ngày 28/2 (khoảng 19h tại Hà Nội).
Cô chia sẻ ngân hàng Nga đã nhắn tin trấn an khách bình tĩnh, cam kết duy trì mọi hoạt động ở trạng thái bình thường và các trụ sở vẫn mở cửa.
Khánh An không nghĩ rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ leo thang đến mức như hiện nay, kéo theo những lệnh trừng phạt kinh tế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Trong một cuộc điện thoại hơn hai tuần trước, cô còn nghĩ vấn đề Ukraine là câu chuyện nằm bên ngoài nước Nga và không liên quan đến cuộc sống của mình.
Ngân hàng trung ương Nga hôm nay tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%, một ngày sau khi công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước, trong nỗ lực xử lý hậu quả từ các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phương Tây hôm 26/2 thông báo loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toàn tài chính toàn cầu SWIFT, đồng thời áp dụng hàng loạt biện pháp khác nhằm ngăn Nga tìm cách né các lệnh trừng phạt. Những biện pháp mới có khả năng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga, khiến các ngân hàng và công ty Nga khó tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Đồng rouble đã giảm gần 30% xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD vào ngày 28/2.
“Đường bay về Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng nên tôi không quá lo về kế hoạch về nước vào hè này. Tuy nhiên, tôi lo sẽ không thể nhận tiếp học bổng, do khoản này được cấp bằng USD. Giờ đây tôi cũng hoang mang, không biết phải làm thế nào để xoay xở trong thời gian tới”, Khánh An chia sẻ.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, gia đình và bạn bè Khánh An thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình của cô tại Nga. Cô luôn trấn an người thân giữ bình tĩnh vì mình đang sống tại thủ đô Moskva, nơi có mức độ an ninh rất cao và xa vùng chiến sự.
Cô kể rằng bạn cô ở thành phố khác gặp nhiều khó khăn khi cố rút tiền mặt bằng USD. “Họ phải xếp hàng từ 10h đến chiều. Gia đình họ đã rút tiền trong vài ngày qua, mỗi người rút vài triệu rouble”, Khánh An cho biết.
Dù tiền trong tài khoản Khánh An không nhiều, cô suy nghĩ mình nên rút sớm vì cảm thấy tương lai còn mơ hồ. Cô còn lo ngại những căng thẳng tại Ukraine “có thể dẫn đến những sự cố an ninh không mong muốn” ở Nga.
Việt An, một du học sinh khác tại Moskva, kể lại chuyến đi đến thành phố Nizhny Novgorod tuần qua. Cô nhận thấy bầu không khí có phần căng thẳng hơn bình thường khi cảnh sát tuần tra trên đường phố ngày 26/2 nhiều hơn so với hai ngày trước đó. Cô cảm nhận người nước ngoài như cô dường như được lực lượng tuần tra chú ý nhiều hơn.
“Một đối tác người Nga nói với tôi rằng vì tình hình tại Ukraine đang rất căng thẳng nên tốt nhất chúng tôi cần hạn chế ra đường, nếu cần thiết thì phải đi bằng ôtô để tránh rủi ro từ các thành phần quá khích. Người này chia sẻ với chúng tôi rất nghiêm túc, căn dặn từng người một”, cô nói.
Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt đầu leo thang từ đầu năm nay, Việt An từng nghĩ rằng tình hình sẽ không quá phức tạp.
“Tôi nghĩ người Nga sẽ đối diện với câu chuyện Ukraine như với Covid-19 và không khí không quá căng thẳng như hiện nay. Khi chiến sự mới bắt đầu, tôi còn đoán tình hình tại Nga sẽ vẫn bình thường, nhưng giờ đây tôi nhận ra nhịp sống có sự thay đổi, nghiêm trọng hơn những suy nghĩ trước đây”, Việt An nói.
Cô chia sẻ nhiều bạn bè người Nga cũng khá hoang mang về giá đồng rouble và cổ phiếu. Họ lo lắng tình trạng kinh tế Nga có thể xấu hơn trong thời gian tới.
Chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine” do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ngày 24/2 tới nay đã kéo dài sang ngày thứ năm, khi lực lượng Nga vấp phải sức kháng cự đáng kể từ quân đội Ukraine.
Chiến sự tiếp tục diễn ra quyết liệt tại Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine. Chính phủ hai nước ngày 27/2 chấp nhận khởi động cuộc đàm phán đầu tiên ở Belarus. Một nhà đàm phán Nga cho biết nước này muốn đạt thỏa thuận với Ukraine để nối lại hòa bình.
“Tôi hy vọng đợt đàm phán này sẽ có kết quả tốt đẹp. Tôi nghĩ mọi người ai cũng suy nghĩ giống mình. Chiến sự đang ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống tại Nga, vượt ngoài những gì chúng tôi từng tưởng tượng”, Khánh An nói.