Taliban sẽ tiếp quản sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân theo hạn định, song khả năng cơ sở này tiếp tục hoạt động vẫn là câu hỏi lớn.
“Chúng tôi sẽ khởi hành trước ngày 31/8. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ bàn giao, về cơ bản là trả lại sân bay cho người Afghanistan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ngày 27/8, bác bỏ đồn đoán rằng sân bay Kabul sẽ do lực lượng nước ngoài tiếp quản sau khi Mỹ rút đi.
Taliban dự kiến kiểm soát sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul ngày 1/9, sau khi quân đội Mỹ rút đi. Lực lượng này ngày 27/8 thông báo đã di chuyển vào một số khu vực quân sự của sân bay.
Chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ khi Taliban tiến vào Kabul ngày 15/8, song lực lượng này chưa thành lập chính phủ mới sau khi nắm quyền.
“Điều hành một sân bay không phải công việc đơn giản”, Price cho biết. “Tôi nghĩ sân bay khó có thể hoạt động bình thường vào ngày 1/9”.
Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 25/8 nêu khả năng sân bay Kabul phải đóng cửa tạm thời sau khi Mỹ rút lực lượng. Blinken cho biết các quốc gia trong khu vực đã có những nỗ lực rất tích cực trong xem xét khả năng duy trì hoạt động của sân bay Kabul, hoặc mở lại nó sau một thời gian đóng cửa.
Blinken nhấn mạnh số phận của sân bay Kabul đóng vai trò quan trọng với Taliban, lực lượng tuyên bố không muốn duy trì chế độ cai trị hà khắc như giai đoạn 1996-2001. Taliban mong muốn viện trợ nhân đạo của quốc tế tiếp tục tới Afghanistan qua sân bay Kabul.
Sân bay này cũng rất quan trọng với các nước phương Tây muốn di tản công dân và hàng nghìn người Afghanistan, vốn không kịp rời quốc gia Trung Á trong cuộc không vận của Mỹ trước ngày 31/8.
Cho tới nay, các thành viên NATO vẫn đóng vai trò chủ chốt trong điều hành sân bay Kabul, khi nhân viên dân sự của khối này đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát không lưu, thông tin liên lạc của sân bay. Lực lượng quân sự Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phụ trách an ninh cho sân bay.
Hạn chót để lực lượng quốc tế rút khỏi Afghanistan đang đến gần, nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng ra đảm bảo an ninh tại sân bay. Họ cũng hy vọng Taliban sẽ chấp nhận một lực lượng nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia với dân số chủ yếu theo đạo Hồi, hiện diện tại sân bay Kabul.
Tuy nhiên, Taliban sau khi nắm quyền nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận quân đội nước ngoài hiện diện ở Afghanistan sau ngày 31/8 và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu rút về nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban vẫn tiếp tục.
Sau cuộc hội đàm đầu tiên của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban tại Kabul ngày 27/8, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Taliban muốn giám sát an ninh tại sân bay Kabul, trong khi để Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách về hậu cần.
“Chúng tôi sẽ quyết định khi tình hình nhìn chung ổn định trở lại”, Tổng thống Erdogan nói và cho biết vụ đánh bom liều chết ngày 26/8 ở cổng Abbey của sân bay cho thấy nhiệm vụ tại đây phức tạp thế nào.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và các đơn vị khai thác hàng không tư nhân cũng tham gia thảo luận với Taliban, trong khi Mỹ cho biết họ có thể tham gia với vai trò hỗ trợ hoạt động tại sân bay Kabul.
Việc ai tiếp quản sân bay Kabul tiếp tục là câu hỏi nhạy cảm do ngoài những lo ngại về an ninh, các quan chức Mỹ cho biết cơ sở này đang trong tình trạng tồi tệ. Họ khẳng định rằng ngoài lục quân Mỹ, rất ít cơ quan, tổ chức trên thế giới có khả năng đảm bảo vận hành sân bay Kabul trong thời gian dài.
Phát ngôn viên Price cho biết các chuyên gia Mỹ và phương Tây vừa hoàn tất đánh giá sân bay Kabul nhằm xác định xem có thể nhanh chóng nối lại các chuyến bay thương mại tại đây hay không.
Tuy nhiên, các quan chức khác dự đoán sẽ không có nhiều hãng hàng không đồng ý bay tới Kabul chừng nào Taliban chưa thể đưa ra đảm bảo thực sự về an ninh, cũng như tình trạng vận hành tốt của sân bay Hamid Karzai.