Căn bếp nhà chị khá rộng rãi, hơn 16m2 với hai dãy kệ bếp hình chữ L khá đẹp, được kiến trúc sư thiết kế khá chi tiết và thực sự rất tiện nghi. Thế nhưng căn bếp luôn không đẹp, bởi quá nhiều đồ.
Chị D (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là người rất ưa việc bếp núc và luôn coi căn bếp là không gian của riêng mình. Đó cũng là điều bình thường như nhiều phụ nữ khác; có điều, chị nghiện mua sắm – nhất là mua online trên mạng. Vì vậy, chị rất thích mua các đồ dùng trong bếp; từ bát đĩa tới các loại dụng cụ làm bếp.
Căn bếp nhà chị khá rộng rãi, hơn 16m2 với hai dãy kệ bếp hình chữ L khá đẹp, được kiến trúc sư thiết kế khá chi tiết và thực sự rất tiện nghi. Thế nhưng căn bếp luôn không đẹp, bởi quá nhiều đồ. Các ngăn tủ đã đầy nên đồ bày ra đầy trên kệ bếp và bàn ăn, trông rất lộn xộn, rối mắt. Phía trên tủ treo còn một khoảng trống đến trần thì chất rất nhiều các thùng hộp carton đựng đồ – có lẽ không nỡ vứt đi.
Chị chia sẻ: “Thấy nhiều đồ đẹp quá, thích quá nên cứ mua; mà đồ cũ thì vẫn dùng không nỡ vứt. Cứ mỗi lần vào shop online lại hoa cả mắt lên”… Đã có lò vi sóng rồi chị lại mua thêm một chiếc lò vi sóng kiêm lò nướng, sau đó lại mua lò nướng riêng – loại thì chuyên nướng thịt, loại khác chuyên nướng bánh. Rồi chị lại mua các loại máy xay sinh tố, máy làm kem, làm sữa chua – mỗi loại vài chiếc. Những loại máy này được quảng cáo là tiện ích, thông minh nhưng thực tế không như thế, vì tháo lắp khi vận hành khá phức tạp, vệ sinh rất khó.
Mới mua về thì háo hức dùng, được một thời gian ngắn thì chán, không dùng nữa. Những thứ đồ vẫn mới nên tiếc không thanh lý, cái thì để trong tủ bếp, cái để trên bàn bếp, trông căn bếp không sạch sẽ, gọn gàng.
Nghiện mua sắm và thích sắm đồ gia dụng, đồ nhà bếp là “bệnh” không riêng của chị D mà là của nhiều người phụ nữ. Thấy hàng trên mạng là cứ thích mua, mua về chất đầy bếp, biến bếp thành cái nhà kho và trở thành không gian chứa đồ rất lộn xộn.
Có nhà có bếp gas âm bàn rồi vẫn mua thêm bếp từ, bếp điện, bảo rằng để phòng trừ khi hết gas chưa gọi kịp. Có nhà thì mua rất nhiều bát đĩa, đũa thìa với lý do dùng khi nhà có việc; nhưng thực sự khi có việc thì lại ra nhà hàng, hoặc nếu có đám hiếu hỷ lại đi thuê dịch vụ chứ bát đĩa dù nhiều cũng không đủ cho những việc ấy. Có nhà thì lại nghiện mua đồ ăn; chợ xanh ngay cạnh nhà nhưng cứ mua rau thịt chất đầy tủ lạnh để tới cả tuần. Có nhà lại mê đồ hộp, ra siêu thị rước về cả mấy tháng ăn không hết, có thứ quá “đát” lại vứt đi… Rất nhiều trường hợp như thế ở trong nhiều gia đình.
Căn bếp của một ngôi nhà hiện đại khác với căn bếp xưa. Nếu như bếp xưa chỉ là nơi đun nấu và là cái xưởng chế biến thức ăn thì căn bếp hiện đại là một không gian mới mẻ với nội thất thẩm mỹ, thiết bị hiện đại; để là nơi sum họp quây quần và tận hưởng với bàn ăn ở trong. Vì lẽ đó không gian của bếp cần được đầu tư, chăm chút; bếp phải cần đẹp đẽ, sạch sẽ để người sử dụng có thể thấy thoải mái và ăn ngon.
Việc mua sắm quá nhiều đồ chưa chắc đã làm tốt hơn mà còn phản tác dụng, làm cho căn bếp chật chội, tù túng, mất vệ sinh, nhếch nhác…, làm giảm cảm hứng tích cực trong việc sinh hoạt và ăn uống với các thành viên trong gia đình. Bản thân người nấu bếp cũng rất bất tiện khi phải loay hoay tìm đồ, lựa chọn thực phẩm và vướng víu trong đống đồ ngổn ngang đó… Rồi sau đó rất mất công lau chùi dọn rửa.
Tổ chức căn bếp gọn gàng, thoáng đãng – đó là điều nên làm. Việc này có thể bắt đầu từ khâu thiết kế không gian và chi tiết tủ bếp. Cần phải phân bố các khu chức năng rõ ràng ở tủ bếp, trong đó có những vị trí quan trọng như nơi để bình gas, nơi để gạo, nơi để bát đĩa, nơi để xoong nồi, nơi để dao kéo…
Các ô trống chứa đồ cũng cần hoạch định sẵn nơi nào để cái gì, để làm sao thuận tiện nhất cho thao tác trong quá trình nấu bếp và dễ tìm. Nhu cầu làm bếp và thiết bị cần trao đổi với kiến trúc sư thiết kế nội thất từ đầu, để tránh mua thêm làm chồng chéo công năng.
Trong việc sắp xếp và sử dụng, phải tổ chức khoa học, hợp lý liên quan đến quy trình nấu bếp. Dụng cụ vừa đủ dùng theo nhu cầu và thói quen, tránh mua những thứ chỉ dùng một lần rồi bỏ xó. Các loại đồ hộp, thực phẩm nên mua vừa đủ căn cứ theo chu kỳ sinh hoạt, không nên mua quá nhiều và để quá lâu. Việc có quá nhiều đồ trong nhà bếp còn dẫn đến mất vệ sinh và tạo điều kiện chuột và côn trùng làm tổ, phát triển.
Hãy biến bếp thành không gian sum vầy, có tính thẩm mỹ; chứ đừng biến bếp thành nhà kho.