Cháy nhà máy ở Bangladesh, 52 người chết, nhiều người có thể bị mắc kẹt

Cháy nhà máy ở Bangladesh, 52 người chết, nhiều người có thể bị mắc kẹt

Ít nhất 52 người bị thiệt mạng trong một vụ cháy lớn tại một nhà máy sản xuất nước trái cây ở Bangladesh, 20 người bị thương và nhiều người khác có thể bị mắc kẹt, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết hôm 9/7 sau khi xảy ra vụ cháy nhà máy mới nhất ở nước này.

Đám cháy bắt đầu từ tối 8/7 tại tầng trệt của nhà máy cao 6 tầng ở quận Narayanganj, cách thủ đô Dhaka 20 km về phía đông nam, do hãng sản xuất thức uống Hashem, chi nhánh của tập đoàn đa quốc gia Sajeeb của Bangladesh, điều hành. Nhà máy sản xuất nước uống trái xoài với thương hiệu Shezan.

“Ba người chết vì nhảy khỏi tòa nhà để thoát thân và 49 thi thể cháy đen đã được tìm thấy cho đến nay”, Mustain Billah, quản lý của quận Narayanganj, nói với Reuters qua điện thoại từ hiện trường.

“Vẫn đang cháy trên tầng cao nhất. Các nhân viên cứu hỏa đang vật lộn để kiểm soát hoả hoạn, vì hóa chất và vật liệu dễ cháy được lưu trữ bên trong tòa nhà”, quan chức này nói và cho biết hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ cháy.

Abdullah Al Arefin, một quan chức phòng cháy chữa cháy của quận, cho biết: “Nhựa, các chất dễ cháy và hóa chất đều khiến cho việc dập lửa trở nên khó khăn”.

Ông Al Arefin cho biết mỗi tầng của tòa nhà rộng khoảng 3.250 mét vuông nhưng chỉ có thể tiếp cận bằng hai cầu thang bộ. Nhiều công nhân không thể thoát ra ngoài do đám cháy lan đến cầu thang bộ.

Ông cho biết thêm rằng một trong những cánh cửa dẫn từ cầu thang lên mái nhà đã bị khóa.

Debashish Bardhan, Phó giám đốc cơ quan cứu hỏa quốc gia, cho biết: “Chúng tôi đã cứu được 25 người sau khi đặt thang lên sân thượng. Chúng tôi có thể cứu được nhiều hơn nếu những người khác có thể leo lên được sân thượng”.

Nhiều công nhân bị thương khi cố gắng nhảy khỏi tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà để thoát thân, theo lời ông Shah Alam, một quan chức khác của dịch vụ cứu hỏa quận, cho biết.

Trong lúc người thân của những người mất tích đang biểu tình xung quanh khu vực nhà máy, Reuters cho biết một người mẹ đang tìm kiếm con trai mình, Nazma Begum, đã hét lên rằng “Không có công lý! Con trai tôi ở đâu?”

Narayanganj nằm ở miền trung Bangladesh với rất nhiều nhà máy sản xuất mọi thứ, từ sợi đay cho đến dệt vải.

Thảm họa gây ra do các tiêu chuẩn an toàn và phòng hỏa hoạn kém ở các tòa nhà rất phổ biến ở Bangladesh, phần lớn trong lĩnh vực dệt may, ngành sử dụng hàng triệu nhân công và đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế của nước này.

Các quan chức trong ngành hứa hẹn sẽ có những tiêu chuẩn an toàn tốt hơn sau vụ sập tòa nhà của xưởng may Rana Plaza vào năm 2012 ở Dhaka khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Nhưng tình trạng ở nhiều nhà máy trong và ngoài ngành dệt may vẫn không cải thiện, dẫn đến những vụ tai nạn xảy ra hàng năm.

Chính quyền quận Narayanganj đã thành lập một ủy ban thanh tra gồm 5 thành viên để xem xét vụ việc, Reuters dẫn lời ông Al Arefin cho biết thêm.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments