“Muốn đối thoại” và “không có ý định thù địch” – chính là thông điệp mà Đặc phái viên Mỹ gửi tới Triều Tiên hôm nay (23/8).
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên – ông Sung Kim đang có chuyến thăm 4 ngày tới Hàn Quốc và đã có nhiều cuộc gặp tiếp xúc với giới lãnh đạo nước chủ nhà, trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng liên quan tới cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn đang diễn ra. “Muốn đối thoại” và “không có ý định thù địch” – chính là thông điệp mà Đặc phái viên Mỹ gửi tới Triều Tiên.
Hôm nay, ông Sung Kim có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk, để bàn về các viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, cũng như các cách thức để đưa quốc gia này trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Đặc phái viên Mỹ khẳng định, Washington không chủ trương gây hấn hay muốn tạo thêm các hành động thù địch với Triều Tiên thông qua các cuộc tập trận:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các dự án hợp tác nhân đạo liên Triều. Mỹ không có ý định gây hấn, thù địch đối với Triều Tiên. Các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ – Hàn đang diễn ra chỉ là hoạt động thường kỳ, hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, thúc đẩy sự hỗ trợ an ninh giữa 2 quốc gia. Tôi xin tái khẳng định rằng, luôn sẵn sàng để gặp gỡ những quan chức Triều Tiên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”, ông Sung Kim cho biết.
Về phía Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk cũng nhấn mạnh: “Mỹ – Hàn đang theo dõi tình hình trên bán đảo, bao gồm việc Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc. Chúng tôi đã nhất trí sẽ hợp tác để có thể nối lại đàm phán với Triều Tiên càng sớm, càng tốt. Chúng tôi đã thảo luận về các dự án hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực”.
Cuộc gặp giữa hai đặc phái viên của Mỹ – Hàn về vấn đề Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng phản đối gay gắt các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ – Hàn diễn ra trong 9 ngày nay, từ ngày 16/8 vừa qua. Quan chức cấp cao Triều Tiên đã cảnh báo Mỹ – Hàn sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng vì tiến hành tập trận chung, khiến giới phân tích lo ngại về các vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân có thể diễn ra trong khoảng thời gian này. Triều Tiên khẳng định, họ luôn để mở cánh cửa ngoại giao, tuy nhiên các tuyên bố muốn đàm phán của Mỹ có vẻ “trống rỗng” khi “các hành động thù địch” như các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vẫn tiếp tục diễn ra.
Căng thẳng diễn ra chỉ sau 1 thời gian ngắn Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại đường dây liên lạc chung sau một khoảng thời gian dài gián đoạn do căng thẳng.
Hôm qua (22/8), ông Sung Kim đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong. Và theo kế hoạch, ngày mai (24/8), ông Sung Kim sẽ có cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tại thủ đô Seoul.
Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Mỹ – Triều tiếp tục có những bình luận khá gay gắt về đối phương, kéo lùi triển vọng đàm phán trong nhiều tháng. Dù chính quyền Tổng thống Biden chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại. Và trọng trách đưa các bên trở lại đàm phán đang được giao cho vị Đặc phái viên Mỹ – ông Sung Kim – người được bổ nhiệm trong dịp Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ cách đây khoảng 3 tháng. Đây là lần thứ 2 ông Sung Kim tới Hàn Quốc trên cương vị mới, sau chuyến thăm hồi tháng 6/2021.