Vừa qua, Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận cụ bà 82 tuổi trong tình trạng nguy kịch sốc nhiễm khuẩn nặng do vỡ đại tràng sau dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn.
Qua lời kể của gia đình, người bệnh có tiền sử táo bón chưa qua điều trị. Một ngày trước vào viện, người bệnh đi ngoài khó khăn nên đã tự dùng vòi xịt toilet áp lực cao để xịt trực tiếp vào hậu môn, sau đó người bệnh thấy đau âm ỉ tại vùng bụng dưới bên trái, đau tăng dần và lan ra khắp ổ bụng.
Người bệnh được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 khám, chụp xquang, siêu âm, chụp Ctscan ổ bụng chẩn đoán vỡ đại tràng sau dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn.
Ngay lập tức người bệnh được phẫu thuật cấp cứu, khi mở ổ bụng kiểm tra thấy tình trạng ổ bụng nhiều cặn bẩn, viêm phúc mạc do dịch phân chảy ra qua vị trí vỡ đại tràng.
Bác sĩ Viện Phẫu thuật tiêu hóa đã tiến hành phẫu thuật khâu vị trí vỡ, làm hậu môn nhân tạo và lau rửa ổ bụng. Sau phẫu thuật, người bệnh ở trong tình trạng ý thức lơ mơ, huyết áp tụt thấp, suy đa tạng và được đưa Trung tâm Hồi sức tích cực.
Qua quá trình điều trị tích cực, tình trạng người bệnh dần ổn định và được xuất viện sau phẫu thuật 02 tuần. Qua trường hợp trên và nhiều trường hợp tương tự khác đã gặp tại Bệnh viện TWQĐ 108, chúng tôi nhận thấy việc thiếu hiểu biết về căn bệnh được gọi là táo bón, bao gồm dấu hiệu nhận biết, cách xử trí khi bị táo bón, cách phòng tránh táo bón và tác hại của việc dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn khi bị táo bón là rất đáng báo động, hậu quả có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do xử trí không đúng cách như nêu trên.
Vậy khi nào một người được chẩn đoán là bị táo bón?
Một người được chẩn đoán là bị táo bón khi có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau:
1. Đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần.
2. Phải rặn nhiều khi đại tiện.
3. Phân khô cứng.
4. Cảm giác đại tiện không hết.
5. Đôi khi phải dùng tay lấy phân ra khi đại tiện.
Táo bón có nguy hiểm không?
Táo bón thường không gây tử vong, tuy nhiên táo bón có thể gây ra các biến chứng khá trầm trọng như trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, bị tắc ruột do phân. Khi bị các hiện tượng trên, đi ngoài bị đau nên người bệnh ngại đi, do đó lại càng táo bón hơn, tạo thành vòng luẩn quẩn.
Khi nào người bệnh bị táo bón nên đi khám bác sĩ?
Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng sau:
1. Các triệu chứng nặng lên và kéo dài hơn ba tuần
2. Thay đổi đáng kể thói quen đại tiện, ví dụ táo bón xen kẽ với tiêu chảy.
3. Đau dữ dội ở hậu môn khi đi tiêu.
4. Chảy máu trực tràng.
5. Bệnh trĩ.
6. Vết nứt hậu môn.
7. Rò trực tràng hoặc sa trực tràng.
8. Nôn kèm với táo bón và đau bụng (điều này có thể gợi ý tắc ruột).
9. Táo bón liên tục, đi kèm với đau bụng và sốt.
Cách phòng tránh táo bón
1. Ăn nhiều thực phẩm chất xơ, rau củ xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
2. Uống 1,5 đến 2 lít nước và các chất lỏng khác mỗi ngày.
3. Hạn chế một số thực phẩm có tính cay nóng, thực phẩm đóng hộp.
4. Giảm các chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, trứng).
5. Không uống nhiều rượu bia, cà phê, chè đặc hoặc sử dụng chất kích thích.
6. Đi đại tiện khi có nhu cầu, cảm giác muốn đi.
7. Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần.
Tuyệt đối không dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn khi bị táo bón. Vòi xịt toilet thường được thiết kế theo kiểu vòi xịt tăng áp, tức là có áp lực nước mạnh gấp 3 – 4 lần so với các loại vòi xịt vệ sinh bình thường.
Do đó dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn là việc làm cực kỳ nguy hiểm, mức độ nhẹ có thể gây ra các tổn thương, viêm nhiễm ở niêm mạc hậu môn, viêm nhiễm trực tràng, nặng nề hơn có thể gây vỡ đại tràng, trực tràng.