Ngày 1/7, Giải bóng đá Euro 2020 bị đổ lỗi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 khi người hâm mộ đổ xô đến các sân vận động, quán bar và khán đài trên khắp châu Âu để xem cuộc tranh tài trong khi đại dịch vẫn hoành hành, theo Reuters.
Bộ trưởng Nội vụ Đức nói cơ quan quản lý bóng đá châu Âu UEFA là “hoàn toàn vô trách nhiệm” khi cho phép đám đông lớn đến giải đấu.
Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cho rằng việc các đám đông tiếp xúc với nhau ở các thành phố đăng cai Euro 2020, chuyện đi lại và nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội đã khiến số ca mắc bệnh mới tăng lên 10%.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO tại Copenhagen, cho biết kết quả 10 tuần có số ca nhiễm mới giảm đi trên khắp châu Âu đã kết thúc, và một làn sóng dịch mới là không thể tránh khỏi nếu người hâm mộ bóng đá và những người khác mất cảnh giác.
“Chúng ta cần phải nhìn xa hơn là chỉ ở các sân vận động”, Reuters dẫn lời bà Smallwood nói với các phóng viên. “Chúng ta cần xem coi là mọi người đi đến đó bằng cách nào, họ có di chuyển trong những đoàn xe buýt đông đúc không? Và khi rời sân vận động, họ có đi tới các quán bar và quán rượu đông đúc để xem các trận đấu hay không?”. Theo bà, những sự kiện này làm cho virus lây lan nhanh.
Với quy định về COVID-19 khác nhau tại các quốc gia, quy mô đám đông thường dao động từ đầy (chẳng hạn như 60.000 người ở Budapest) đến 25-45% ở các địa điểm khác (thường là khoảng 10.000-15.000 khán giả).
UEFA nói mức độ này là hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương tại mọi địa điểm.
“Các quyết định cuối cùng liên quan đến số lượng người hâm mộ tham dự các trận đấu và yêu cầu nhập cảnh vào bất kỳ quốc gia chủ nhà và sân vận động chủ nhà nào thuộc trách nhiệm của các nhà chức trách địa phương có thẩm quyền, và UEFA tuân thủ nghiêm ngặt mọi biện pháp”, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu nói trong một tuyên bố .
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho rằng quan điểm của UEFA là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
“Tôi không thể hiểu nổi tại sao UEFA bất hợp lý như vậy. Tôi cho đó là do chủ nghĩa thương mại”, Reuters dẫn lời ông Seehofer nói trong một cuộc họp báo.
Quan chức của Đức cho rằng một trận đấu với 60.000 khán giả – chẳng hạn như ở Sân vận động Puskas của Hungary và cũng được lên kế hoạch cho trận bán kết và chung kết tại sân vận động Wembley của London – chắc chắn sẽ làm cho COVID-19 lây lan rộng.
Mặc dù người dân châu Âu yêu thích xem giải đấu, nhưng mối quan tâm về khả năng bị ảnh hưởng bởi sức khỏe cũng đang gia tăng.
Cơ quan y tế Scotland cho biết 1.991 người đã được xác định là tham dự một sự kiện Euro 2020 trong khi đang bị lây nhiễm, trong đó 1.294 người đã đến London và 397 người đã đến Wembley, nơi Anh thi đấu với Scotland.
Phần Lan cho biết hơn 300 công dân của quốc gia này đã bị nhiễm bệnh khi đi ủng hộ đội nhà.
Còn Phó thủ tướng Nga kêu gọi cấm tụ tập hơn 500 người. Thành phố St Petersburg sẽ tổ chức trận tứ kết vào thứ Sáu, với 50% sức chứa cho phép trong một sân vận động thường có sức chứa 68.000 người.
Ý cảnh báo bất kỳ người hâm mộ nào từ Anh chớ có cố lợi dụng những sơ hở trong quy định hạn chế đi lại COVID-19 để lẻn vào xem tứ kết Euro 2020 giữa Anh và Ukraine tại Rome vào thứ Bảy ngay cả khi họ có vé.
Trong một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể dễ lây lan Delta của virus corona, Rome tháng trước đã đưa ra biện pháp cách ly 5 ngày đối với bất kỳ ai đến Ý mà đã từng đến Anh trong hai tuần trước đó.
UEFA cho biết có 16.000 người hâm mộ sẽ được vào xem trận đấu hôm thứ Bảy, tức 25% số ghế trên sân.
Liên đoàn bóng đá Anh cho biết họ sẽ không bán bất kỳ vé nào cho trận đấu thông qua “Câu lạc bộ Du lịch ủng hộ Anh” vì những hạn chế đi lại.
Anh hiện đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới do biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, với 26.068 ca được ghi nhận vào thứ Tư.