Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến hoạt động xuất, nhập khẩu tại biên giới Cao Bằng ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh cũng cho thấy đã đến lúc cần có những sự thay đổi bền vững hơn cho hoạt động kinh tế biên mậu.
Gần 2 năm qua, tại Cao Bằng các mặt hàng tạm nhập tái xuất và đi qua các cửa “tiểu ngạch” vốn chiếm đến 50% lượng hàng hóa qua biên giới hầu như đóng băng. Tuy vậy, tại 4 cửa khẩu gồm Pò Peo, Sóc Giang, Trà Lĩnh và Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, dù có lúc ngưng trệ do công tác phòng dịch nhưng lượng hàng hóa thông quan “chính ngạch” vẫn duy trì khá đều đặn. Thậm chí tại cửa khẩu Tà Lùng, cao điểm vẫn có thể đạt khoảng 50-60 container một ngày, gần bằng với thời kỳ chưa có dịch.
Nguyên nhân chính là phía Trung Quốc có sự thay đổi cơ bản trong chính sách biên mậu, từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch” theo hướng siết chặt kiểm tra chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Lượng hàng hóa qua biên sụt giảm bởi nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quá trình thông quan mất nhiều thời gian hơn, thậm chí một số xe hàng đã bị phía cơ quan chức năng Trung Quốc giữ lại.
Ông Lý Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho rằng: “Đây là một bài học kinh nghiệm để chúng tôi định hướng cho các doanh nghiệp, đối tác hoạt động xuất nhập khẩu là phải nắm rõ thông tin và tăng cường giải pháp chủ yếu là xuất chính ngạch, hạn chế, giảm dần tiểu ngạch. Phía Trung Quốc họ cũng có quy định chỉ định một số mặt hàng nhập qua từng cửa khẩu nên chúng tôi cũng đã làm việc với Trung Quốc để cố gắng các cửa khẩu ở Cao Bằng sẽ chỉ định một số mặt hàng. Ví dụ chúng tôi đã đàm phán được xuất cây Thạch đen, hoặc một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam đã được chấp thuận qua cửa Trà Lĩnh như gạo, sắn, hoa quả…”.
Ông Đào Kim Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Đức Cao Bằng, một đơn vị có nhiều năm tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại Cao Bằng với mặt hàng chủ yếu là nông sản và máy móc nông nghiệp cho rằng: Xu thế xuất khẩu “chính ngạch” với các mặt hàng trong nước đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng mặc dù lợi nhuận có thể thấp hơn theo đường “tiểu ngạch” nhưng mang tính bền vững, lâu dài. Đây là xu thế chung của thị trường mà doanh nghiệp bắt buộc phải hướng tới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn hàng trong nước, đặc biệt là nông sản đã xây dựng được thương hiệu thì điều quan tâm của doanh nghiệp đó là việc tiếp cận thông tin 2 chiều cần chủ động hơn.
Hiện nay, khi chính sách phía Trung Quốc thay đổi, nhiều doanh nghiệp khá lúng túng, bị động do không nắm bắt kịp thời. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin trong làm thủ tục thông quan cũng cần được xây dựng đồng bộ và nâng cao một bước.
Ông Đào Kim Trọng nói: “Qua dịch Covid-19 tôi cũng thấy một số cơ hội. Thứ nhất ở những cửa khẩu khác họ cũng bị ảnh hưởng, bị giới hạn nên sẽ phải phân bổ hàng hóa lên Cao Bằng, nguồn hàng qua cửa khẩu ở Cao Bằng sẽ đa dạng hơn. Thứ hai đó là doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ hơn, trước kia thu mua hàng hóa không cần biết nguồn gốc thì nay doanh nghiệp buộc phải đến tận nơi để xem hàng hóa đó, cơ sở đó có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hay không. Thứ ba rất quan trọng đó là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư cơ sở gia công, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa tăng giá trị sản phẩm lại đủ tiêu chuẩn xuất chính ngạch”.
Xác định rõ mục tiêu đưa kinh tế biên mậu trở thành một trong 3 mũi nhọn kinh tế đột phá, tỉnh Cao Bằng đã từng bước có sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là hạ tầng logistics. Điển hình có thể kể đến là xây dựng Cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu Quốc tế với hệ thống bến bãi hiện đại, kết hợp nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực thông quan của cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa. Bên cạnh đó, ngoài xúc tiến Dự án Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, địa phương này chú trọng đặc biệt xây dựng hệ thống giao thông, đảm bảo liên kết các cửa khẩu.
Ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng cho biết thêm: “Hiện nay tỉnh đang đầu tư một là Đường tỉnh 213 từ Trùng Khánh đến Cửa khẩu Pò Peo, thứ hai là tuyến nối từ Thị trấn Trà Lĩnh cũ đến trung tâm huyện Trùng Khánh, đồng thời tiếp tục nâng cấp, sửa chữa một số tuyến giao thông đến các cửa khẩu. Các tuyến đường theo đề án đã duyệt khoảng 2000 tỉ đồng để kết nối đến các cửa khẩu và các khu du lịch. Theo kế hoạch dự kiến đến 2025 chúng tôi sẽ hoàn thành kết nối các tuyến từ thành phố Cao Bằng đến các cửa khẩu”.
Ông Lý Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng lại đặc biệt nhấn mạnh yếu tố cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp để có thể nâng cao tính cạnh tranh so với các cửa khẩu khác trong vùng. Đồng thời tiếp tục tham mưu hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt hạ tầng logistics. Tiến tới thu hút các doanh nghiệp đầu mối vận chuyển hàng nông sản dạng hàng thô đến cửa khẩu, sau đó gia công rồi mới xuất khẩu sẽ tạo giá trị gia tăng tốt hơn cho địa phương”.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các cửa khẩu tại Lạng Sơn ùn ứ nghiêm trọng, Cao Bằng đã đón được thêm một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu chính. Đây có thể xem là tín hiệu tích cực với hoạt động xuất khẩu và cũng là thực tế cho thấy, địa phương này đã đến lúc cần có sự thay đổi cơ bản trong hoạt động kinh tế biên mậu theo hướng bền vững hơn.