Quân đội Mỹ tăng cường hợp tác với các nước vùng cực nhằm ngăn chặn tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Phát biểu trong cuộc thảo luận ngày 27/7 do trung tâm Wilson tại thủ đô Washington tổ chức, Kelli Seybolt, trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ, cho rằng tuyên bố “là quốc gia cận Bắc Cực” của Trung Quốc năm 2018 là điều “gây kinh ngạc”.
“Khi nhìn vào bản đồ, tôi không thấy điều đó, song họ chắc chắn sẽ tìm cách hợp pháp hóa vai trò quốc gia cận Bắc Cực này khi thúc đẩy sáng kiến Con đường Tơ lụa ở Bắc Cực”, Seybolt nói. “Đây là khu vực mà có lẽ chúng ta sẽ cần hợp tác với các quốc gia gần đó để đảm bảo các lợi ích chung được bảo vệ”.
Seybolt cho rằng Mỹ cần tăng cường quan hệ với “6 trong 7 quốc gia Bắc Cực”, trừ Nga, để mang lại lợi thế chiến lược quan trọng trong việc răn đe Trung Quốc.
Con đường Tơ lụa ở Bắc Cực là một phần sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của nước này thông qua xây dựng các cảng, đường sắt và hạ tầng khác, đồng thời nằm trong kế hoạch phát triển trong 5 năm tới của Trung Quốc.
Ngoài việc mở tuyến vận tải mới qua Bắc Cực, Trung Quốc còn công bố kế hoạch phóng vệ tinh vào năm 2022 để theo dõi tuyến hàng hải này cũng như những thay đổi về băng trong khu vực.
Giám đốc Trung tâm Wilson Mark Green nói “Trung Quốc đôi khi quên rằng họ không thực sự là quốc gia Bắc Cực và đang làm mọi việc có thể để thiết lập ảnh hưởng riêng của mình trong quản lý khu vực lẫn phát triển kinh tế, đặc biệt với mục tiêu định hình tiến trình phát triển của Bắc Cực trong những thập kỷ tới”.
Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với lực lượng Bắc Cực của Canada, Phần Lan, Na Uy và các đồng minh khác nhằm đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.
“Ta có thể nghĩ đến sức mạnh quân sự ở vùng phía bắc, đặc biệt là Alaska, với vị trí ngay trước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu. Về bản chất, ta có thể hình dung các cuộc phô diễn sức mạnh từ Alaska với hai khu vực này”, trung tướng Clinton Hinote, phó tư lệnh không quân Mỹ phụ trách chiến lược, tích hợp và yêu cầu, nói trong hội thảo.
“Qua các cuộc diễn tập, chúng tôi nhận thấy đó là nơi cực kỳ hiệu quả để triển khai căn cứ phục vụ hoạt động của không quân”, tướng Ninote cho biết thêm. “Đó là lý do chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào những nơi như Anchorage và Fairbanks. Chúng tôi tin khu vực này có nhiều thứ quan trọng và đang tăng cường sức mạnh quân sự tại đó”.
Tướng Hinote cho hay không quân Mỹ chi khoảng 6 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động ở Bắc Cực, khoản tiền này sẽ tăng lên khi họ hiện đại hóa các dự án như Hệ thống Cảnh báo phương Bắc vận hành chung với Canada.