Chính quyền Biden hôm 9/7 đã đưa thêm 14 công ty Trung Quốc và các tổ chức khác vào danh sách đen kinh tế do các cáo buộc vi phạm nhân quyền và giám sát công nghệ cao ở Tân Cương, theo Reuters.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói các công ty này đã “dính líu đến những vi phạm và lạm dụng nhân quyền trong việc thực hiện chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các thành viên khác của các nhóm thiểu số Hồi giáo tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc lạm dụng.
Trước đó vào chiều 8/7, Reuters cho biết các công ty và tổ chức Trung Quốc mới được đưa thêm vào danh sách đen có Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; Công ty Công nghệ Thông tin Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty công nghệ thông tin Cobber Thâm Quyến; Công nghệ thông tin thuyền buồm Tân Cương; Công nghệ thông tin Geling Shentong Bắc Kinh; Công ty Công nghệ Tình báo Hua’antai Thâm Quyến; và công ty về Hệ thống An ninh Chengdu Xiwu.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết tổng cộng đã bổ sung 34 thực thể, bao gồm một số từ Nga và Iran, và 5 thực thể khác hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc liên quan đến laser và hệ thống quản lý chiến đấu.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo nói trong một tuyên bố rằng: “Bộ Thương mại vẫn cam kết kiên quyết thực hiện hành động mạnh mẽ, dứt khoát nhằm vào các thực thể đang cho phép vi phạm nhân quyền xảy ra ở Tân Cương hoặc sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội đang gây bất ổn của Trung Quốc”.
Danh sách đen của Hoa Kỳ cũng bao gồm 8 tổ chức hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng của Mỹ sang Iran và 6 tổ chức liên quan đến việc mua sắm các linh kiện điện tử có xuất xứ từ Hoa Kỳ, có thể là để thúc đẩy các chương trình quân sự của Nga.
Động thái mới theo sau quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào tháng trước về việc đưa thêm 5 công ty và các thực thể khác của Trung Quốc vào danh sách đen vì các cáo buộc lao động cưỡng bức ở khu vực viễn Tây Trung Quốc.
Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương và nói rằng các chính sách của họ là cần thiết để tiêu diệt những kẻ ly khai và cực đoan tôn giáo, những kẻ âm mưu tấn công và khuấy động căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi và người Hán, nhóm dân lớn nhất của Trung Quốc.
“Phía Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc và bác bỏ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hôm 9/7.
Hành động mới nhất cho thấy nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc gây sức ép với Trung Quốc về tình trạng mà chính quyền ông cho rằng đang làm cho vi phạm nhân quyền trầm trọng hơn đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc về hoạt động giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.
Vào năm 2019, chính quyền Trump cũng đã đưa thêm một số công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế của mình vì cách đối xử với người thiểu số Hồi giáo.
Bộ Thương mại dưới thời Tổng thống Trump đã nhắm mục tiêu vào 20 cơ quan công an Trung Quốc và 8 công ty, bao gồm công ty giám sát qua video Hikvision, cũng như các nhà công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nhận dạng khuôn mặt là SenseTime Group và Megvii Technology.