Việt Nam hiện đã là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chúng ta mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế để chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Trước những diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức trên phạm vi toàn cầu, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới New York (Mỹ) dự phiên họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các cuộc họp cấp thượng đỉnh liên quan cũng như các tiếp xúc song phương là dịp cần thiết để Việt Nam đưa ra những thông điệp quan trọng ở cấp cao nhất.
Đó là thông điệp về một Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin và bản lĩnh ứng phó đại dịch, có trách nhiệm trong xử lý những vấn đề chung toàn cầu và sẵn sàng hợp tác song phương, đa phương vì một tương lai tươi sáng hơn.
Hợp tác chống dịch và tái thiết
Từ ngày 21 đến 24-9, tại New York (Mỹ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76 với chủ đề “Cùng vững tin và tự cường – Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ”.
Đây là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu với sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo nhiều nước để trao đổi về vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là phòng chống và ứng phó với đại dịch COVID-19. Dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên khắp hành tinh, gây thiệt hại lớn về người và làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh phiên thảo luận chung cấp cao, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn có sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch và xây dựng lại tốt đẹp hơn”. Như vậy, không chỉ hợp tác ứng phó trong đại dịch, lãnh đạo các nước cũng sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm chuẩn bị cho một thế giới tăng cường hợp tác sau đại dịch, phục hồi và phát triển hơn.
Đây là dịp rất tốt để Việt Nam khẳng định ở cấp cao nhất về quyết tâm và các biện pháp triển khai mạnh mẽ của chúng ta trong gần 2 năm qua nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế. Đây cũng là dịp chúng ta gửi lời cảm ơn tới các nước bạn bè đã hỗ trợ Việt Nam trong thời điểm khó khăn, và Việt Nam cũng đã giúp bạn bè các nước theo khả năng của mình cùng chống dịch.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ COVAX và đang xem xét tiếp tục đóng góp thêm cho quỹ này.
Theo đó, ngoài vấn đề hợp tác quốc tế chống dịch, các nước sẽ cần tăng cường hợp tác trong thương mại và đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế số và sáng tạo, trong hợp tác thúc đẩy du lịch và dịch vụ quốc tế…
Vai trò, vị thế của Việt Nam
Rất nhiều vấn đề hợp tác mới sẽ được đặt ra trong các phiên thảo luận cấp cao nói trên về các giải pháp có tính tổng thể và dài hạn. Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến toàn cầu với tinh thần hợp tác và xây dựng.
Đáng chú ý, sáng kiến của Việt Nam về việc thành lập Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. 112 quốc gia đã tham gia đồng bảo trợ nghị quyết của LHQ về sáng kiến trên vào tháng 12-2020.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ về biến đổi khí hậu và an ninh, dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về hệ thống lương thực và thực phẩm.
Vấn đề biến đổi khí hậu cũng như an ninh, an toàn về lương thực và thực phẩm là những điều rất “sát sườn” với chúng ta. Đó cũng là những vấn đề “nóng” đang nổi lên, thu hút sự quan tâm của mọi quốc gia trên thế giới.
Là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán, ngập mặn, Việt Nam cần lên tiếng để các quốc gia và cộng đồng quốc tế quan tâm đúng mức hơn và có những biện pháp chung tay giúp Việt Nam ứng phó với những hệ lụy từ đó.
Các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, việc chia sẻ dữ liệu, các kinh nghiệm tốt hay các công nghệ, phát triển kinh tế xanh, phát thải ít CO2… là những vấn đề cần đạt được sự đồng thuận chung và những cam kết mạnh hơn của các nước.
Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, là quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước của nước ta tham dự trực tiếp phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an và cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vị thế và vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Trong hai năm qua, trên tinh thần độc lập, tự chủ và cân bằng, Việt Nam đã thể hiện là thành viên trách nhiệm và tích cực tại Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng ta đã hai lần đảm nhiệm tốt cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021, có những đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng và tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng trên thế giới.
Trong chương trình nghị sự đã công bố, Chủ tịch nước còn có nhiều cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước và gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ để trao đổi về các quan hệ hợp tác và để lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.