Cùng với các lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch chính quy, một lực lượng tình nguyện “tuyến ngoài” cũng tham gia hỗ trợ người dân không kém phần hùng hậu và đầy nhiệt huyết.
Họ là những đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, doanh nghiệp… với tinh thần sẵn sàng “chiến đấu” để giảm tải bệnh tật, khó khăn cho người dân. Tình nguyên viên là đội ngũ y, bác sỹ.
Dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp cùng với số ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao đã khiến hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh gần như quá tải. Bên cạnh đó, những trường hợp mới nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm tỏ ra hoang mang, lo lắng, cần được tư vấn và hỗ trợ y tế. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời và triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/8 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 điều phối.
Với 2 đầu số là 1022 và 1800.1119, các tình nguyện viên mạng lưới sẽ chủ động gọi điện chăm sóc, sàng lọc nguy cơ cho các F0, F1. Sau ba ngày hoạt động, 2.071 y, bác sĩ là tình nguyện viên thuộc mạng lưới đã thực hiện hơn 42.000 cuộc gọi tư vấn, tiếp cận 49.681 F0 và F1, trong đó có những gia đình nhiều người mắc bệnh. Gần 500 bệnh nhân đang có triệu chứng nhưng cách ly ở nhà đã được các bác sĩ hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe từ xa; 245 trường hợp diễn tiến nặng được các bác sĩ thông tin, phối hợp với y tế địa phương đưa bệnh nhân đi cấp cứu và chuyển viện.
Có 5 đối tượng chính được mạng lưới tập trung hỗ trợ là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19.
Xác định đây là mô hình “mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và khả thi” trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các đơn vị y tế chủ động phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ người mắc COVID-19 . Theo đó, các tổ phản ứng nhanh địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 và Tổ điều phối chuyển bệnh nhân COVID-19 tiếp nhận cảnh báo từ mạng lưới về F0 nguy cơ cao cần nhập viện, từ đó ưu tiên điều phối và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
Các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 của quận, huyện tiếp nhận bệnh nhân đã được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và Tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, xác định thuộc nhóm nguy cơ cao.
Từ ngày 5/8, đường dây nóng 0939.596.999 chính thức hoạt động, do mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn.
Bên cạnh mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, group “ Giúp nhau mùa dịch ” trên Facebook cũng thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia để được tư vấn. Đây là group được thành lập bởi bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chưa tới 2 tuần, nhóm thu hút hơn 340.000 thành viên.
Theo chia sẻ của Thạc sỹ – Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng , chuyên khoa Hồi sức cấp cứu – chống độc, trên group “Giúp nhau mùa dịch”, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý tiêm chủng và có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, anh sẵn sàng hỗ trợ tư vấn mọi người về trực tiếp điều trị COVID-19; các tình trạng bệnh lý nặng, nhiều bệnh lý kết hợpp, bệnh nền; an toàn sử dụng thuốc, vaccine; các vấn đề về tiêm chủng; một số quy định pháp lý trong y khoa… Theo đó, mọi người có thể gọi điện hoặc nhắn tin trên SMS, Zalo để được tư vấn.
Đây chỉ là một trong hàng trăm lời giới thiệu của các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đến từ rất nhiều các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, như một bản lý lịch trích ngang đầy đủ thông tin về tên tuổi, chuyên môn, số điện thoại, thậm chí là thời gian nào có thể nhận điện thoại, trả lời tin nhắn… khi tham gia group.
Ban đầu, group hình thành chủ yếu hỗ trợ tư vấn cho những người mắc một số bệnh mà không thể đến bệnh viện trong mùa dịch. Sau này, các bác sỹ trong nhóm còn phải kiêm thêm việc tư vấn cho cả bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, thậm chí lập thành nhiều đội tình nguyện thăm khám tại nhà cho những trường hợp bệnh nhân không thể tư vấn online vì nhu cầu cần được giúp đỡ quá lớn.
Ngoài group trên, còn rất nhiều bác sỹ vẫn hàng ngày lên Facebook cá nhân hướng dẫn F1, F0 đang tự cách ly điều trị tại nhà. Điển hình là bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở TP Hồ Chí Minh, hoạt động rất tích cực trên trang Facebook của mình với nhiều bài đăng tải hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân F0, tư vấn tiêm vaccine và cả động viên, trấn an tâm lý hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh căng thẳng.