Nhật từng kỳ vọng Thế vận hội sẽ mang đến một làn gió kinh tế và sự công nhận của thế giới, nhưng đó là nếu không có Covid-19.
Tuần này, Toyota cho biết sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào ở Nhật Bản liên quan đến Thế vận hội. Động thái của công ty giá trị nhất nước này cho thấy một tâm trạng không mấy vui vẻ mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp trước thềm khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất.
Toyota vốn là một trong 13 nhà tài trợ chính cho Thế vận hội 2021. Với khản giả ở Mỹ, họ vẫn chi hàng triệu USD để chạy quảng cáo sự kiện trên Super Bowl. Nhưng ở Nhật, bất kỳ liên kết nào với sự kiện cùng đều quá nhạy cảm đối với nhà sản xuất ôtô để có thể quảng cáo.
Thế vận hội sẽ khai mạc vào thứ Sáu (23/7), muộn hơn một năm và trong bối cảnh Tokyo vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp với Covid-19. Dự đoán và kỳ vọng về một làn gió hưởng lợi kinh tế đã phần lớn tan biến. Các sân vận động và đấu trường tiêu tốn hơn 7 tỷ USD để xây dựng hoặc cải tạo hầu hết sẽ trống vì khán giả bị cấm tham dự.
Nhật Bản từng muốn Thế vận hội Tokyo cho thấy đất nước này vẫn là một thế lực toàn cầu, mặc dù dân số giảm và nền kinh tế ngày càng bị Trung Quốc qua mặt. Thế vận hội cũng sẽ cho thấy họ đã phục hồi như thế nào sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2011. Nhưng giờ đây, thay vào những kỳ vọng đó, các nhà lãnh đạo phải chịu áp lực vì chính sự kiện thể thao làm dấy lên các lo ngại.
Thủ tướng Yoshihide Suga tin tưởng rằng các biện pháp giữ công chúng tránh xa sự kiện sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đất nước vẫn sẽ được hưởng lợi từ lượng khán giả truyền hình toàn cầu khổng lồ.
“Tôi quyết định rằng Thế vận hội có thể diễn ra mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân Nhật Bản”, ông Suga nói trong một cuộc phỏng vấn. “Điều đơn giản và dễ dàng nhất là từ bỏ”, ông nói thêm. Nhưng “công việc của chính phủ là giải quyết các thách thức”.
Không khí lo lắng bao trùm những ngày trước khai mạc. Ít nhất 8 vận động viên và hàng chục người khác có liên quan đã dương tính với nCoV. Nhiều cầu thủ của đội bóng đá nam Nam Phi đã bị đưa vào diện cách ly sau khi hai thành viên tiếp xúc gần có kết quả dương tính.
Các nhà tổ chức đang thúc đẩy một Thế vận hội dành cho TV, mà ít người Nhật Bản sẽ chứng kiến hoặc nhận được bất kỳ lợi ích tài chính nào từ đó. KNT-CT Holdings, công ty điều hành một trong những đại lý du lịch lớn nhất của Nhật Bản, từng tiếp thị các gói du lịch cho Thế vận hội. “Rất tiếc là chúng tôi không thể cung cấp các chuyến tham quan cho khách hàng, những người đã mong chờ Thế vận hội”, công ty cho biết.
Năm 2019, Yoshiko Tobe đã chi hơn một triệu USD để cải tạo khu nhà trọ kiểu truyền thống của bà ở gần Asakusa, một khu vực của Tokyo cổ kính, nơi các đô vật sumo lang thang trên đường phố giữa các cuộc tập luyện.
Bà Tobe từng hy vọng du khách đến xem Thế vận hội sẽ giúp thu hồi vốn và kiếm lời. Nhưng giờ, quan điểm của bà ngược lại, tương tự đa số người Nhật. Theo cuộc thăm dò của báo Mainichi công bố hôm Chủ nhật (18/7), gần hai phần ba người được hỏi không muốn có Thế vận hội. “Chúng ta có thể tốt hơn nếu không có Thế vận hội. Ít nhất điều đó sẽ loại bỏ một yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà Tobe nói.
Tại Thế vận hội London 2012, Nhật Bản được ca ngợi vì đã giành được 38 huy chương, thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Thủ tướng Shinzo Abe lúc bấy giờ tin rằng việc đăng cai Thế vận hội sẽ vực dậy tinh thần của đất nước sau trận sóng thần năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng.
Các nhà tổ chức địa phương sau đó dự báo có một lượng lớn du khách đến tham dự Thế vận hội, những người sẽ chi gần 2 tỷ USD cho các bữa ăn, phương tiện đi lại, khách sạn và hàng hóa. Họ hình dung cảnh tượng kéo dài 17 ngày sẽ thúc đẩy những người khác đến thăm Nhật Bản, mang lại hàng tỷ USD.
Đến năm 2019, hầu hết địa điểm tổ chức Thế vận hội đã hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn và nhu cầu vé rất cao. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) gọi Tokyo là thành phố đăng cai chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử Olympic. Biểu ngữ Thế vận hội được treo khắp nơi và các nhà tài trợ vạch ra loạt kế hoạch tiếp thị để kiếm tiền.
Tháng 3/2020, Nhật Bản và IOC quyết định hoãn Thế vận hội một năm. Họ bước vào một cạnh bạc, cược rằng đại dịch sẽ được kiềm chế vào mùa hè năm 2021. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Trong những tuần trước Thế vận hội, biến thể Delta đã làm gia tăng ca nhiễm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Tokyo, nơi hơn 1.000 trường hợp Covid-19 mới được phát hiện trong những ngày gần đây.
Đến thứ Hai, (19/7) chỉ 22% dân số được tiêm chủng đầy đủ và tình trạng khẩn cấp của Tokyo được thiết lập để duy trì đến ngày 22/8. Ca nhiễm được báo cáo ở hầu hết nhóm người tham gia Thế vận hội, từ vận động viên đến huấn luyện viên, và cả các quan chức IOC, các nhà thầu và giới truyền thông. Tại Làng Olympic, nơi các vận động viên chỉ có thể vào sau một loạt các bài kiểm tra trước và sau khi đến Nhật Bản, những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên đã xuất hiện.
Số lượng người đến từ nước ngoài cho Thế vận hội đã giảm khoảng hai phần ba. Tuy nhiên, hơn 50.000 vận động viên, quan chức, phóng viên và những người khác đang hội tụ về Tokyo cho Thế vận hội, khiến đây trở thành cuộc tụ họp quốc tế lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các nhà tổ chức cho biết hàng chục quy tắc hạn chế sự tương tác sẽ ngăn chặn sự bùng phát rộng hơn. Du khách phải tránh xa dân địa phương. Họ có nguy cơ bị trục xuất nếu vi phạm các quy tắc. “Từ quan điểm điều phối hoạt động, không nghi ngờ gì khi cho rằng đây có thể là lần điều phối phức tạp và thách thức nhất từng có”, Michael Payne, Giám đốc tiếp thị và quyền phát sóng của IOC từ năm 1983 đến năm 2004, bình luận.
Một cuộc thăm dò do đài truyền hình NHK thực hiện từ ngày 9 đến 11/7 cho thấy gần hai phần ba người Nhật không thấy thuyết phục khi Thế vận hội vẫn diễn ra. Một số cuộc thăm dò trong những ngày gần đây cho thấy ông Suga chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng một phần ba công chúng. Đây là một mức thấp mới.
Một số người Nhật cảm thấy sự kiện này đang bị IOC hối thúc để nhất quyết tổ chức cho bằng được. Bởi lẽ, khoảng 73% ngân sách của IOC được tài trợ bằng cách bán bản quyền phát sóng cho Thế vận hội. Vào cuối tháng 5, Dick Pound, thành viên IOC, tuyên bố chỉ có tận thế mới có thể ngăn Thế vận hội diễn ra, và sau đó nói thêm rằng Thế vận hội sẽ diễn ra ngay cả khi ông Suga muốn chúng bị hủy bỏ.
Ông Abe, khi là thủ tướng, đã chào sân Tokyo tại cuộc họp IOC ở Argentina năm 2013, để trở thành thành phố đăng cai năm 2020. Ông từng hy vọng sẽ chủ trì Thế vận hội nhưng phải từ chức vào tháng 8/2020 vì sức khỏe kém.
Mieko Nakabayashi, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda (Tokyo), cho biết ông Suga muốn được bầu lại làm lãnh đạo đảng cầm quyền và làm thủ tướng vào mùa thu này. Vì vậy, ông ấy cần sự ủng hộ của ông Abe. “Ông ấy không thể tuyên bố rằng sẽ suy nghĩ lại về Thế vận hội, vì ông ấy phải trung thành với ông Abe”, bà đánh giá.
Như với hầu hết các kỳ Thế vận hội, ngân sách cho Thế vận hội Tokyo tăng vọt so với dự kiến ban đầu. Ngân sách chính thức là 15,4 tỷ USD nhưng các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu đã lên tới 20 tỷ USD, gần gấp ba so với dự báo ban đầu khoảng 7,4 tỷ USD.
Các nhà tài trợ Nhật Bản đã đổ vào hơn 3 tỷ USD, số tiền lớn nhất mà các công ty nước chủ nhà từng đóng góp cho bất kỳ Thế vận hội nào. Dù kết quả có tồi tệ nhất, những ước tính cho biết tổn thất vẫn chưa tới một phần trăm so với quy mô nền kinh tế Nhật Bản.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết vẫn còn một khoản tiền tiềm năng từ những người ở nước ngoài, những người sẽ xem Thế vận hội Tokyo và có thể quyết định đến thăm Nhật Bản sau đại dịch.
“Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật chất để chào đón người nước ngoài sẽ không bị lãng phí. Các sân vận động và đấu trường Olympic cuối cùng cũng sẽ có các sự kiện với khán giả”, ông nói.
Nhưng với nhiều người Nhật Bản thì trước mắt, Thế vận hội có nguy cơ trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm, mang đến rủi ro sức khỏe và kinh tế to lớn như nhau. Vì khi ấy, đất nước sẽ cần một chặng đường dài hơn để phục hồi và tiêu tốn thêm tiền bạc cho những việc này.