Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc tổ chức quân sự gồm các nước Liên Xô (cũ) gửi quân đến Kazakhstan là tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo không muốn có cách mạng màu tại khu vực. Ông tuyên bố đây là sự hiện diện có thời hạn.
Các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã có cuộc họp trực tuyến bất thường ngày 10-1, sau khi tổ chức này đưa gần 2.500 binh sĩ và khí tài đến Kazakhstan theo yêu cầu của chính quyền Nur-Sultan.
Tại cuộc họp, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev mô tả những ngày bất ổn vừa qua là “một âm mưu đảo chính” và tuyên bố các cơ quan an ninh của ông sẽ không bao giờ bắn những người biểu tình ôn hòa.
“Các phần tử có vũ trang đã chờ sẵn trong những nhóm tham gia các cuộc biểu tình. Mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp, phá hủy các thể chế chính phủ và chiếm đoạt quyền lực. Đó là một âm mưu đảo chính”, Hãng tin Reuters trích lời ông Tokayev nhấn mạnh.
Cũng theo nhà lãnh đạo Kazakhstan, sứ mệnh của CSTO – vốn do Nga dẫn dắt – sẽ kết thúc sớm.
Trong cuộc họp với các lãnh đạo CSTO, Tổng thống Nga Putin cho biết CSTO phải gửi quân gìn giữ hòa bình đến hỗ trợ Kazakhstan vì khi đó nước này đang đối mặt với “sự xâm lược của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Ông nhấn mạnh việc CSTO triển khai quân giúp Kazakhstan đã gửi đi tín hiệu là các nhà lãnh đạo của nhóm sẽ không cho phép “các cuộc cách mạng” nổ ra ở một trong các nước thuộc Liên Xô cũ.
Mỹ nghi ngờ việc triển khai quân của CSTO và đặt câu hỏi về yêu cầu của chính quyền Kazakhstan, đồng thời ám chỉ lực lượng quân sự này có thể ở lại lâu dài.
Đáp lại trong cuộc họp ngày 10-1, tổng thống Nga đã bác bỏ mọi suy đoán và tuyên bố các binh sĩ của CSTO chỉ ở Kazakhstan trong “thời gian có hạn”.
Các cuộc biểu tình bùng phát tại Kazakhstan do giá nhiên liệu leo thang và kết thúc bằng bạo loạn ngay trong những ngày đầu năm 2022.
Hàng chục người đã thiệt mạng trong hơn 1 tuần bất ổn vừa qua, bao gồm cả lực lượng an ninh. Bộ Nội vụ Kazakhstan xác nhận gần 8.000 người đã bị bắt trong các hoạt động đảm bảo an ninh.