Cộng đồng LGBTQ ở Afghanistan vẫn luôn phải tồn tại một cách bí mật nhưng dưới thời Taliban, họ thậm chí có thể không còn không gian để tồn tại.
Buổi chiều ngày 26/8, sinh viên đại học 20 tuổi Rabia Balhki (tên nhân vật đã thay đổi) đang cố gắng thoát khỏi đám đông ở sân bay Kabul. Gần đó, các tay súng Taliban thỉnh thoảng lại bắn vài phát súng chỉ thiên.
Trong sự hoảng loạn tột cùng, người dân Afghanistan đang chạy trốn khỏi đất nước này theo mọi hướng, khiến cho Rabia ngày càng khó khăn hơn để đến được sân bay. Rabia chia sẻ với DW rằng cô tuyệt vọng chạy trốn khỏi Afghanistan khi là một người đồng tính nữ.
Với Taliban, sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ (viết tắt của người đồng tính nữ, đồng tình nam, song tính, chuyển giới và đa dạng giới hoặc những người vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu về mình – ND) là không thể chấp nhận được. Sau khi vượt qua tất cả rào cản, Rabia cuối cùng đã đến được cổng vào sân bay nhưng một tay súng Taliban canh gác ở đó đã từ chối để cô vào. Rabia không còn lựa chọn nào ngoài quay đầu và rời đi. Một tiếng sau, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra và một trong những người thân của Rabia thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Rabia đã thoát khỏi vụ nổ trên nhưng cô không biết liệu mình có thể sống sót dưới sự truy lùng của Taliban hay không.
“Taliban nghĩ chúng tôi là những kẻ bỏ đi trong xã hội này. Họ muốn loại bỏ chúng tôi”, Rabia chia sẻ.
Không còn không gian cho cộng đồng LGBTQ
Cộng đồng LGBTQ ở Afghanistan vẫn luôn phải tồn tại một cách bí mật bởi tính hướng của họ bị coi là phi đạo đức và trái với đạo Hồi ở đất nước này. Nếu bị phát hiện là người đồng tính nam hoặc nữ, người đó có thể bị tuyên án tù chung thân theo quy định năm 2017 và theo luật Sharia, hay luật Hồi giáo, họ có thể đối mặt với mức án tử hình.
Theo nhóm hoạt động vì cộng đồng LGBTQ ILGA-World, chính phủ Afghanistan cũ không tuyên án tử hình với người đồng tính từ năm 2001 nhưng Taliban có thể xử lý vấn đề này theo cách khác.
Ở một đất nước do Taliban kiểm soát như Afghanistan, hầu như không còn không gian cho những người LGBTQ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với trang Bild của Đức hồi tháng 7, Gul Rahim, một thẩm phán của Taliban tại một tỉnh ở Afghanistan cho biết: “Với những người đồng tính, chỉ có 2 hình phạt: hoặc là bị ném đá, hoặc người đó sẽ bị một bức tường cao khoảng 2,5 – 3 mét đổ vào”.
Những mối đe dọa
Vài ngày sau khi Taliban tiến vào Kabul, một người đồng tính nam 25 tuổi – Faraz (tên nhân vật đã được thay đổi) đã nghe tin về cái chết của một người bạn đồng tính của mình. Anh không chắc hình phạt mà người bạn của mình nhận phải là gì. Tất cả những gì anh biết là Taliban rất cứng rắn với những người đồng tính và anh có thể đối mặt với số phận tương tự.
“Cậu ấy bị Taliban bắt đi sau những lời phàn nàn của một số kẻ khác. Taliban đã đưa cậu ấy đến đâu đó, giết chết cậu ấy và đem thi thể của cậu ấy trả lại cho gia đình”, Faraz chia sẻ với DW.
“Trong lực lượng Taliban có một nhóm chuyên truy tìm những người đồng tính. Chúng đi từ con phố này sang con phố khác và khi phát hiện ra ai đó là người đồng tính, chúng không ngần ngại giết chết họ”.
Nemat Sadat, một người Mỹ gốc Afghanistan, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng LGBTQ cho hay: “Taliban nói rằng họ sẽ ân xá cho các nhà báo và những người đã giúp đỡ các chính phủ phương Tây, cũng như cho phép phụ nữ được tiếp tục đi học. Mọi người vẫn hoài nghi về Taliban nhưng ít nhất họ đã đưa ra một cam kết. Nhưng với cộng đồng LGBTQ, Taliban thậm chí còn không bận tâm đến việc giả vờ đưa ra một hứa”.
Trong 2 thập kỷ qua, Afghanistan đã đạt được một số tiến bộ trong việc chấp nhận cộng đồng LGBTQ, các nhà hoạt động nhân quyền cho hay. Họ đã được tham gia vào các lĩnh vực như truyền thông đại chúng, hỗ trợ sản xuất các chương trình tọa đàm và tổ chức các chương trình giáo dục thế hệ trẻ về nhiều chủ đề.
“Mọi người nói Afghanistan không thay đổi nhưng tôi không đồng ý với điều đó. Những người thuộc cộng đồng LGBTQ đã nỗ lực trong việc thay đổi xã hội Afghanistan”, Sadat nhận định.
Tuy nhiên, hiện nay, dưới thời Taliban những người thuộc cộng đồng LGBTCQ đã dừng các cuộc gặp gỡ với những người biết về họ.
“Tôi không có nhiều liên lạc với những người khác cũng không có ai để chia sẻ”, Faraz cho hay.
Còn Rabia, cô chỉ rời nhà duy nhất 2 lần trong 3 tuần qua, một lần là tới sân bay và lần còn lại là tới ngân hàng để rút tiền.
Rabia sợ sẽ gặp phải các thành viên của Taliban trên đường. Cô cũng lo sợ nếu lực lượng này biết gì đó về cô, họ sẽ theo dõi cô.
“Tôi cảm thấy rất chán khi ở nhà. Nhưng tôi chỉ có thể đọc vài cuốn sách để không cảm thấy buồn bực”, Rabia chia sẻ.