Trung Quốc và Mỹ ngày 16/11 đã đạt được đồng thuận trong việc đảm bảo đi lại bình thường cho các nhà báo của nhau. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nhà báo bị Bắc Kinh trục xuất năm 2020 có được cấp thị thực trở lại làm việc hay không.
Theo đó, hai bên đạt được 3 đồng thuận. Thứ nhất, hai bên đảm bảo các phóng viên thường trú có thể đi và đến đất nước của nhau bình thường trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Thứ hai, Mỹ cam kết sẽ cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần có thời hạn một năm cho các nhà báo Trung Quốc và sẽ ngay lập tức tiến hành các thủ tục trong nước để giải quyết vấn đề cấp thị thực cho các nhà báo này. Dựa trên nguyên tắc đối đẳng, Trung Quốc sẽ cấp cho các phóng viên truyền thông Mỹ tại Trung Quốc thị thực và thời hạn lưu trú tương tự sau khi Mỹ thực hiện các biện pháp và chính sách đã nêu.
Thứ ba, hai bên sẽ xem xét và phê duyệt thị thực cho phóng viên thường trú mới theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc đối đẳng.
Theo truyền thông Trung Quốc, thỏa thuận trên đạt được ngay trước thềm cuộc gặp trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau các cuộc tham vấn “gian khổ” trong suốt hơn 1 năm.
Hồi tháng 3/2020, Mỹ đã coi một số hãng truyền thông Trung Quốc là các “phái bộ nước ngoài” và hạn chế sự hiện diện của họ tại Mỹ, buộc 60 nhà báo Trung Quốc phải rời khỏi nước này. Đáp trả, Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo của 3 tờ báo lớn của Mỹ tại Trung Quốc, trong đó có New York Times.
Tháng 5/2020, Mỹ đã giảm đáng kể thời gian lưu trú của các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ xuống dưới 90 ngày, với việc gia hạn được áp dụng 3 tháng một lần. Từ tháng 8/2020, Mỹ đã không trả lời đơn xin gia hạn thị thực của các nhà báo Trung Quốc.
Thỏa thuận mới đạt được đã tạm khép lại các động thái ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực truyền thông giữa hai nước.