Trung Quốc xin gia nhập CPTPP: “Không muốn uống nước đục”, Mỹ cũng nên gia nhập hiệp định?

Trung Quốc xin gia nhập CPTPP: “Không muốn uống nước đục”, Mỹ cũng nên gia nhập hiệp định?

Tổng thống Biden muốn trì hoãn việc gia nhập các thỏa thuận thương mại mới song giữa bối cảnh Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, sự trì hoãn không phải một lựa chọn bởi Bắc Kinh có thể phủ quyết sự tham gia của Washington trong tương lai nếu nước này tham gia trước.

Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã có những quyết định bất ngờ trong hệ thống thương mại quốc tế, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Hiện nay, Trung Quốc, trong một nỗ lực đáng chú ý đã nộp đơn xin gia nhập chính thỏa thuận thương mại mà ông Trump đã rút khỏi. Động thái này khiến cho Tổng thống Biden phải đứng trước một lựa chọn cấp bách.

Tổng thống Biden. Ảnh: AFP
Tổng thống Biden. Ảnh: AFP

Liệu nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hối thúc 11 thành viên hiện tại của hiệp định bác bỏ lời đề nghị của Trung Quốc nhằm cô lập Bắc Kinh và yêu cầu nước này phải thay đổi thái độ? Hay chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump và dùng Hiệp định TPP được hồi sinh này để thúc đẩy những cải cách kinh tế ở Trung Quốc, điều mà ông Biden nhận định là ưu tiên hàng đầu? Và thậm chí, nếu Tổng thống Biden thực hiện cả hai điều trên thì liệu ông có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ, vốn đầy hoài nghi về hiệp định này, đứng về phía ông hay không?

Nhà quan sát C. Fred Bergsten, giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, lựa chọn thông minh dành cho Mỹ là cũng gia nhập vào hiệp định trên. Đã từng có tiền lệ về việc tại sao nỗ lực vận động các nước khác từ chối lời đề nghị gia nhập của Trung Quốc không phải là một lựa chọn thông minh. Năm 2015, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã trải qua sự thất bại về ngoại giao khi hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Mỹ đều ký thỏa thuận tham gia vào sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc, trong đó có cả Anh, Đức, Australia và Hàn Quốc. Tổng cộng có 57 nước tham gia sáng kiến trên vào thời điểm đó, khiến cho Mỹ và Nhật Bản trở thành những người ngoài cuộc.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất hành tinh nếu, hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc tham gia, chứ chưa nói tới việc cả hai nước cùng tham gia. Hiệp định này hiện gồm có Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Mỹ ban đầu có ý định tham gia TPP dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bush. Đến thời cựu Tổng thống Obama, chính quyền Mỹ đã thúc đẩy thực hiện các điều khoản trong hiệp định này. Quốc hội Mỹ đã thông qua quyền đàm phán TPP vào năm 2015 nhưng chưa bao giờ thông qua hiệp định này trước khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi TPP.

Cựu Tổng thống Obama đã thúc đẩy sự tham gia của Mỹ trong TPP chủ yếu dựa trên lập luận rằng “Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là quốc gia viết nên các quy tắc” cho thương mại và đầu tư ở khu vực năng động nhất thế giới này. Vì vậy, sẽ thật trớ trêu khi Trung Quốc thay thế vị trí của Mỹ trong hiệp định này với sự thay đổi không thể tránh khỏi chính các quy tắc mà Mỹ viết nên cũng như cách thức chúng được thực hiện.

Về kinh tế, các công ty và người lao động Mỹ có thể sẽ đối mặt với sự phân biệt đối xử mới với những mặt hàng xuất khẩu của họ khi một số thị trường lớn nhất thế giới chuyển sang tự do thương mại giữa các thành viên trong hiệp định. Nhiều ngành công nghiệp chủ chốt và gần như toàn bộ ngành công nghiệp và dịch vụ của Mỹ, đã hối thúc Tổng thống Biden tái gia nhập CPTPP, thậm chí trước khi Trung Quốc xin gia nhập hiệp định này. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia châu Á năng động sẽ đem tới sự kích thích tích cực cho nền kinh tế Mỹ.

Lựa chọn khó khăn của Tổng thống Biden

Tổng thống Biden đã tiếp nối nhiều nội dung trong chính sách đối đầu với Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump trong khi tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về biến đổi khí hậu và những thách thức toàn cầu khác. Hiện chưa rõ liệu ông Biden muốn đưa các vấn đề kinh tế vào khía cạnh “cạnh tranh” hay “hợp tác”. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến CPTPP lần này sẽ buộc ông phải lựa chọn.

Tổng thống Biden cho biết ông muốn trì hoãn việc gia nhập các thỏa thuận thương mại mới cho tới khi đạt được tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề nội tại trước, song sự trì hoãn kéo dài không phải là một lựa chọn trong tình hình hiện nay, bởi Trung Quốc có thể phủ quyết sự tham gia của Mỹ trong tương lai nếu nước này được gia nhập trước.

Những bất đồng sâu sắc của Mỹ với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng về nhiều vấn đề an ninh và giá trị, trong đó có vấn đề Biển Đông, Tân Cương và Hong Kong. Tuy nhiên, quyền lực kinh tế toàn cầu của Trung Quốc hiện tương đương với Mỹ và nước này phải nhìn nhận một cách thực tế về những thách thức mà Bắc Kinh đang tạo ra cho sự lãnh đạo của Washington.

Mỹ không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, như cựu Tổng thống Trump đã thể hiện rõ ràng, và sự phân ly về mặt chức năng sẽ lớn hơn nhiều với sự phân ly toàn diện trong mối quan hệ giữa 2 siêu cường. Nhà quan sát C. Fred Bergsten nhận định, các quốc gia trong CPTPP sẽ muốn Mỹ tham gia vào hiệp định này để cân bằng với Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng đánh giá, vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á và sự lãnh đạo kinh tế trên toàn cầu của Mỹ đang bị thách thức. Sự vắng mặt của Mỹ trong hiệp định kinh tế quan trọng ở châu Á sẽ khiến khu vực này quay sang Trung Quốc, đặc biệt khi chính Bắc Kinh cũng gia nhập hiệp định.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Biden nên nhanh chóng gia nhập CPTPP cũng như bắt đầu thuyết phục Quốc hội về những lợi ích quốc gia quan trọng về vấn đề này. Đây sẽ là một trong những quyết định về chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại quan trọng nhất mà Tổng thống Biden từng đưa ra.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments