WHO cảnh báo ‘không được tự mãn’ trước Omicron

WHO cảnh báo ‘không được tự mãn’ trước Omicron

Biến thể Omicron đã xuất hiện tại 57 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói còn quá sớm để khẳng định điều gì về nguy cơ của biến thể này, song kêu gọi các nước cần hành động ngay để ngăn biến thể mới.

WHO cảnh báo không được tự mãn trước Omicron - Ảnh 1.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 8-12 – Ảnh: AFP

Phát biểu ngày 8-12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói sự lây lan của Omicron có thể tác động lên đại dịch COVID-19.

Ông khẳng định đây là lúc phải chặn đứng biến thể này trước khi có thêm nhiều người nhập viện. Tình hình đáng ngại hơn ở châu Á, khi số ca mắc COVID-19 đang tăng lại tại nhiều nước.

Cần nỗ lực gấp đôi

Nhà lãnh đạo WHO cho biết dù Omicron không gây bệnh nặng, thế giới cũng không được mất cảnh giác. “Chúng tôi kêu gọi các nước tăng cường giám sát, xét nghiệm. Bất cứ sự tự mãn nào sẽ phải trả giá bằng mạng sống”, ông Tedros nhấn mạnh.

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy Omicron lây nhanh hơn 4,2 lần so với Delta, nhanh hơn mọi biến thể khác. Kết luận được nhà khoa học Hiroshi Nishiura, thuộc Đại học Tokyo, đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu gene các ca bệnh ở Nam Phi từ tháng 9 đến cuối tháng 11-2021.

“Omicron có khả năng lây nhanh hơn và có thể thoát khỏi miễn dịch tự nhiên và miễn dịch có được nhờ vắc xin”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Nishiura cảnh báo tại cuộc họp ban cố vấn của Bộ Y tế Nhật Bản.

Trước đó, các nhà khoa học Nam Phi cũng cho rằng Omicron gây tỉ lệ tái mắc COVID-19 cao gấp ba lần Delta và Beta.

Số ca mắc mới tại Nam Phi đã tăng vọt lên 20.000 ca vào ngày 8-12, so với chỉ gần 1.300 ca vào ngày 24-11, một ngày trước khi nước này thông báo với WHO về Omicron.

Tỉ lệ nhập viện của họ cũng tăng 82% trong tuần tính đến ngày 4-12, nhưng chưa rõ bao nhiêu ca mắc Omicron. Báo cáo ban đầu từ các bệnh viện Nam Phi cho thấy biến thể này chỉ gây triệu chứng nhẹ.

Nhà khoa học của WHO, ông Michael Ryan, cho rằng khi Omicron dễ lây hơn, nó có thể làm tăng số người bệnh và tử vong. Nhưng ông cũng cho rằng điều đó không có nghĩa “virus này không thể ngăn chặn”, ông kêu gọi các nước cần nỗ lực gấp đôi để phá vỡ chuỗi lây lan của biến thể mới.

Tranh cãi về vắc xin

Nhiều nước đang hành động khẩn cấp để chống Omicron. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết các biện pháp nước này áp dụng hồi đầu tuần là để tránh nguy cơ tái phong tỏa. Theo ông Javid, nếu không hành động kịp, Anh có thể có đến 1 triệu ca nhiễm biến thể mới trong vòng 1 tháng.

Tình hình cũng đáng lo ngại ở châu Á khi quốc gia có tỉ lệ tiêm ngừa cao như Hàn Quốc cũng đang chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh, tiếp tục trên mức 7.000 ca/ngày vào hôm 9-12, và số ca bệnh nặng cao kỷ lục. Chính quyền Hàn Quốc kêu gọi người dân đi tiêm liều bổ sung.

Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia của WHO vẫn thận trọng trước thông tin nói hiệu quả bảo vệ của vắc xin bị giảm sút trước biến thể mới.

“Còn quá sớm để khẳng định việc giảm hoạt động trung hòa có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả”, nhà khoa học Soumya Swaminathan của WHO nhận định về kết quả nghiên cứu cho thấy 2 liều vắc xin Pfizer có thể không đủ để ngăn Omicron.

Theo bà Soumya Swaminathan, quy mô các nghiên cứu này vẫn nhỏ và dữ liệu suy giảm kháng thể trung hòa đưa ra có khác biệt lớn. Các nghiên cứu cũng chỉ tập trung vào kháng thể trung hòa, trong khi “hệ miễn dịch phức tạp hơn thế”. Bà Swaminathan nhấn mạnh việc “bán sỉ liều bổ sung không phải là giải pháp”.

Ngược lại, một số chuyên gia nhận định dù có sự khác biệt nhưng các nghiên cứu đều có điểm chung cho rằng hiệu quả của vắc xin đã giảm.

“Dù con số thế nào, rõ ràng cần phải tăng miễn dịch để bảo vệ trước Omicron, vì vậy liều bổ sung càng quan trọng hơn bao giờ hết để giúp chúng ta đạt được điều đó” – nhà nghiên cứu Deborah Cromer của Viện Kirby, thuộc Đại học New South Wales (Úc), nhận định trên tờ Guardian.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents