Bộ Thông tin-Truyền thông tính siết chặt hơn nữa việc quản lý mạng xã hội

Bộ Thông tin-Truyền thông tính siết chặt hơn nữa việc quản lý mạng xã hội

Việt Nam đang nhắm đến siết chặt hơn nữa việc quản lý thông tin trên mạng internet, đặc biệt là hoạt động tường thuật hoặc diễn thuyết trực tiếp trên mạng xã hội thường được gọi là livestream.

Bộ Thông tin-Truyền thông của Việt Nam, cũng được nhiều người trong nước gọi tắt là Bộ 4T, vừa công bố một dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 72 hiện hành về quản lý internet.

Theo tìm hiểu của VOA, bản dự thảo dài 184 trang có điều khoản quy định rằng những chủ trang web cung cấp thông tin của nước ngoài mà có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam “cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam”.

Các trang web nước ngoài có 100.000 người trở lên ở Việt Nam truy cập thường xuyên trong 1 tháng phải thực hiện một số nghĩa vụ bao gồm “ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông” cũng như phải “lưu trữ dữ liệu và thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” theo Luật An ninh mạng, bản dự thảo viết.

Vẫn theo bản dự thảo, các nhà cung cấp mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok chỉ cho phép các tài khoản, các trang cộng đồng, các kênh có từ 10.000 người theo dõi trở lên ở Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu khi các tài khoản, các trang, các kênh đó đã cung cấp thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo quan sát của VOA, đây là điều đang gây chú ý trong dư luận do nó đặt ra các quy định khó khăn hơn đối với việc livestream hoặc bán hàng, kiếm tiền thông qua mạng xã hội.

Theo con số do Bộ 4T công bố, được các báo trong nước dẫn lại, các mạng xã hội nước ngoài đang độc chiếm lượng người dùng đông đảo ở Việt Nam, đứng đầu là Facebook với khoảng 65 triệu tài khoản, YouTube với khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.

Trang VNExpress dẫn lại lời của Bộ 4T đưa ra nhận xét rằng kể từ năm 2013 đến nay các loại hình báo chí ở Việt Nam không còn giữ vị trí độc tôn, và người dùng đã dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram để phục vụ các nhu cầu giải trí, mua sắm.

Bộ 4T cho rằng trong thời gian qua “nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật”, và vì vậy Nghị định 72 hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents