Lãnh đạo tỉnh, thành không phải người địa phương

Lãnh đạo tỉnh, thành không phải người địa phương

Sau ba năm thực hiện chủ trương từ hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đến nay có 36 Bí thư tỉnh, thành không phải người địa phương, trẻ nhất là Bí thư Đồng Tháp.

Từ đầu tháng 7 đến nay, năm tân Bí thư Tỉnh ủy được Bộ Chính trị điều động, phân công đến Hậu Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bình Dương, đều không phải người địa phương.

Bí thư Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, 52 tuổi, quê Vĩnh Phúc; Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, 51 tuổi, quê Phú Thọ; Bí thư Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, 46 tuổi, quê Ninh Bình; Bí thư Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, 49 tuổi, quê Hà Nội; Bí thư Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, 60 tuổi, quê TP HCM.

Bốn trong năm vị nói trên đều là Ủy viên Trung ương khóa đầu tiên, lần đầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; riêng ông Nguyễn Văn Lợi là Ủy viên Trung ương hai khóa XII, XIII, đang ở vị trí Bí thư Bình Phước, được điều động làm Bí thư Bình Dương, thay ông Trần Văn Nam bị cách chức.

Việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ, ở một số tỉnh, thành. Đến hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), tháng 5/2018, đề ra chủ trương “bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương”.

Nghị quyết hội nghị này nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.

Tháng 10/2020, khi 63 tỉnh, thành hoàn thành việc tổ chức đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, có 27 bí thư không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%. Đến nay, theo thống kê của VnExpress, đã có 36 Bí thư tỉnh, thành ủy không phải người địa phương, đa số lần đầu được điều động đến nhận nhiệm vụ ở địa bàn mới, lĩnh vực mới; số ít vị tuy quê nơi khác, song quá trình hoạt động, trưởng thành chủ yếu ở địa phương đang giữ vị trí Bí thư, như các tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận, Lâm Đồng…

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong số các Bí thư tỉnh, thành ủy không phải người địa phương, 17 vị ở độ tuổi từ 50 trở xuống (47,2%); từ 50 đến 60 tuổi có 18 vị (50%); một người trên 60 tuổi.

Trẻ nhất là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (quê Hà Nội, 43 tuổi, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn); tiếp theo là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, quê Hà Tĩnh, 45 tuổi. Hai người ở tuổi 46, gồm Bí thư Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, quê Hưng Yên, nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Bí thư Quảng Bình Vũ Đại Thắng, quê Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư.

Người nhiều tuổi nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, quê Tây Ninh, 64 tuổi, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Bốn người cùng 60 tuổi là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, quê Ninh Bình, nguyên Bộ trưởng Tài Chính; Bí thư Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, quê TP HCM; Bí thư Kon Tum Dương Văn Trang, quê Quảng Ngãi; Bí thư Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, quê Hà Tĩnh.

Trong 7 nữ Bí thư cấp tỉnh, có ba nhân sự không phải người địa phương, gồm Bí thư Hà Nam Lê Thị Thủy, quê Nghệ An, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, quê Hà Nội, nguyên Trưởng ban Dân nguyện; Bí thư Bắc Ninh Đào Hồng Lan, quê Hải Dương, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội.

Cùng với Hà Nội, TP HCM, ba thành phố trực thuộc Trung ương còn lại đều có Bí thư không phải người địa phương. Đầu tháng 5, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực TP HCM (quê Tây Ninh), được điều động làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, thay ông Lê Văn Thành đã được phê chuẩn làm Phó thủ tướng.

Hai Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Cần Thơ cũng là cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương, lần lượt là ông Nguyễn Văn Quảng, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Lê Quang Mạnh, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài vị trí Bí thư, đến nay sau kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ mới ở 62 tỉnh, thành (Bình Thuận do ảnh hưởng của Covid-19 nên chưa tổ chức bầu), nhiều Chủ tịch tỉnh cũng không phải người địa phương.

Trong đó, hai người cùng 45 tuổi, đều là Ủy viên dự khuyết Trung ương, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn được luân chuyển về địa phương. Đó là Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải (quê Phú Thọ) và Chủ tịch tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (quê Yên Bái).

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức

Một số thứ trưởng được luân chuyển về địa phương như: Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, quê Thanh Hóa, 47 tuổi, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư; Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, quê Hải Phòng, 50 tuổi, nguyên Thứ trưởng Xây dựng; Chủ tịch tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, quê Nam Định, 46 tuổi, nguyên Thứ trưởng Tư pháp…

Tại hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), tháng 5/2018, thảo luận đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, nhiều Ủy viên Trung ương đã ủng hộ việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chủ tịch UBND.

Các ý kiến cho rằng, việc luân chuyển giúp rèn luyện cán bộ, tạo động lực mới phát triển địa phương, đồng thời qua đó sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, tránh được ảnh hưởng từ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents