Trước khi bỏ vốn đầu tư để sở hữu tiệm nail người mua cần nắm bắt các thủ tục pháp lý cần thiết để không gặp hậu quả đáng tiếc trong quá trình mua bán và kinh doanh tiệm.
1. Được sự chấp thuận của chủ đất (landlord)
Đây là thủ tục đầu tiên trong việc mua bán tiệm nail tại Mỹ và điều này rất quan trọng vì nếu không được sự đồng ý thì người mua lại tiệm nail chỉ có thể kinh doanh trong khoảng thời gian còn lại của hợp đồng, khi hết hợp đồng sẽ buộc phải dời đi nơi khác.
Nhiều chủ mặt bằng trung tâm thương mại khắt khe trong việc kiểm tra uy tín của người mua lại tiệm nail. Họ thường kiểm tra khả năng tài chính của người mua thông qua điểm credit. Tuy nhiên, với những người mua ở Việt Nam thì thường không có điểm credit tại Mỹ. Khi đó, chủ mặt bằng trung tâm thương mại sẽ yêu cầu người bán đồng chịu trách nhiệm trên hợp đồng thuê mướn mới (lease) trong trường hợp người mua mới không có khả năng chi trả.
2. Ký kết thoả thuận mua bán
Bước tiếp theo cũng là quan trọng nhất trong việc mua bán tiệm nail đó là bên mua và bán cần phải ký kết với nhau một thoả thuận mua bán, gọi là Bill of Sales hay Sale Agreement. Thoả thuận này phải thể hiện đầy đủ các điều khoản của một hợp đồng mua bán và việc soạn thảo hợp đồng nên giao cho một văn phòng chuyên môn để đảm bảo tính hợp pháp cho cả hai bên.
Trước khi mua bán, bên mua cần phải kiểm tra những trách nhiệm pháp lý và khoản nợ tài chính mà bên bán vẫn còn thực hiện. Việc kiểm tra trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm tài chính rất quan trọng vì nếu sau khi thủ tục mua bán được hoàn tất, người bán phải chịu trách nhiệm cho những khoản trách nhiệm như: khoản nợ thuế, khoản nợ tài chính, nợ lương nhân viên, nợ nhà cung cấp, những coupons khuyến mãi phát hành chưa thu hồi…
3. Ký kết thoả thuận không cạnh tranh
Thông thường việc ký kết thoả thuận không cạnh tranh sẽ diễn ra cùng lúc với việc ký kết thoả thuận mua bán. Trong lĩnh vực đặc thù như kinh doanh tiệm nail, khách hàng của tiệm phần lớn là cư dân địa phương, họ đã quen với vị trí địa lý và những người thợ trong tiệm này.
Nếu không ký kết thoả thuận không cạnh tranh, người bán có thể mở tiệm nail khác ở gần đồng thời kéo khách và thợ về với mình, khi đó tiệm của người mua sẽ bị bất lợi trong hoạt động kinh doanh. Người mua cần nhờ văn phòng chuyên môn soạn thảo thoả thuận này cùng với các điều khoản bảo vệ quyền lợi của người mua.
4. Người mua cần có tư cách pháp lý tại Mỹ
Tư cách pháp lý tại Mỹ được hiểu là người mua đang hiện diện trên lãnh thổ Mỹ và được cấp mã số cá nhân. Người mua cần phải có tư cách pháp lý để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như kê khai và nộp thuế. Trong tường hợp người mua đang ở Việt Nam thì cần phải thành lập doanh nghiệp tại Mỹ để đứng ra ký kết hợp đồng mua bán và giấy tờ pháp lý liên quan. Người mua có thể uỷ quyền cho một số cá nhân hoặc tổ chức hợp pháp tại Mỹ để ký kết các hợp đồng mua bán và thực hiện nghĩa vụ tài chính sau này.
5. Đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại tiểu bang
Đây là khâu cuối cùng trong thủ tục mua bán, người mua phải đăng ký đổi tên trên business license và các giấy tờ khác của tiệm với bang và thành phố nơi tiệm nail hoạt động. Hai bên sẽ chuyển giao dần các tài khoản điện nước, truyền hình, điện thoại, mạng xã hội, máy cà thẻ tính tiền và tất cả các thứ khác có trong tiệm.
Để tránh thiệt hại và rủi ro đáng tiếc xảy ra thì các nhà đầu tư hoặc thợ nail có ý định mua tiệm nail nên chú ý làm theo những gợi ý về thủ tục pháp lý trong việc mua bán tiệm nail chia sẻ ở trên.