Trì hoãn tiêm liều thứ hai vaccine Covid-19 có hiệu quả?

Trì hoãn tiêm liều thứ hai vaccine Covid-19 có hiệu quả?

Nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược trì hoãn tiêm liều thứ hai vaccine Covid-19 là đúng đắn, hiệu quả, giúp giảm số ca nhập viện và tử vong.

Tăng khoảng cách giữa hai liều vaccine Covid-19 (lên tối đa 12 tuần) là một trong những quyết định gây tranh cãi của chính phủ Anh trong thời kỳ đại dịch. Tháng 1, nhiều chuyên gia công khai chỉ trích kế hoạch này, song dữ liệu phần nào cho thấy chiến lược tương đối hiệu quả. Khi biến thể Delta mới lây lan, các chuyên gia một lần nữa đặt câu hỏi liệu đây có phải quyết định đúng đắn.

Bằng cách trì hoãn liều hai, liều tăng cường và tiêm liều đầu cho càng nhiều người càng tốt, nước Anh đã mở rộng độ bao phủ vaccine. Ý tưởng này tương đối dễ hiểu, bởi hồi đầu tháng 1, dịch bệnh tại Anh vô cùng tồi tệ. Hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong, khoảng 35.000 người nằm viện mỗi ngày. Nguồn cung vaccine tương lai cũng không được đảm bảo.

Khi ấy, một số chuyên gia cho rằng việc trì hoãn liều thứ hai khiến nhiều người không được bảo vệ đầy đủ. Liều đầu của vaccine cũng kém hiệu quả hơn khi gặp biến thể Delta so với các phiên bản nCoV trước đó. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người thừa nhận khuyến nghị tăng thời gian giữa hai liều là điều đúng đắn .

Nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh đối với nhóm trên 70 tuổi, người dễ tổn thương vì Covid-19, chỉ ra rằng một liều vaccine vẫn có hiệu quả cao. Theo đó, khả năng chống triệu chứng Covid-19 sau chích ngừa một mũi Pfizer là 61%, đạt mức cao nhất vào ngày thứ 28 đến 34 (sau tiêm) và giảm dần từ đó. Đối với vaccine AstraZeneca , từ 35 ngày trở đi, một liều vaccine có hiệu quả 73%.

Quan trọng hơn, ở người mắc Covid-19, một liều vaccine Pfizer giảm 43% nguy cơ nhập viện cấp cứu, giảm 51% nguy cơ tử vong. Một liều vaccine AstraZeneca giảm 37% nguy cơ nhập viện.

Tổng hợp dữ liệu, tại Anh, một liều vaccine nhìn chung hiệu quả khoảng 80% ngăn nguy cơ nhập viện và 85% ngừa tử vong.

Bên cạnh đó, nếu kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm, mức độ miễn dịch khi hoàn thành đủ liều cũng cao hơn . Đây là một trong những cơ sở để chính phủ Anh đưa ra quyết định trì hoãn tiêm liều hai.

Ban đầu, đối với AstraZeneca, khoảng cách giữa hai liều là 4 đến 12 tuần. Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) sửa đổi khuyến nghị tiêm liều hai của AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần sau liều đầu, điều này giúp tăng khả năng sinh miễn dịch.

Nghiên cứu sợ bộ cho thấy vaccine Pfizer có kết quả tương tự. Mức kháng thể cao hơn khoảng 3,5 lần nếu kéo dài khoảng cách của hai liều tiêm.

Trì hoãn tiêm liều thứ hai vaccine Covid-19 có hiệu quả? - Hình 1
Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại Belfast, Bắc Ireland, ngày 29/3. Ảnh: Reuters

Delta có khiến tình hình thay đổi?

Khi biến thể Delta càn quét thế giới , các nhà khoa học một lần nữa đặt câu hỏi liệu chiến lược trì hoãn liều thứ hai vào nửa đầu năm 2021 có còn hiệu quả?

Trước đó, một số nhà khoa học lo sợ việc người dân chỉ đạt một phần miễn dịch với Covid-19 (sau tiêm một liều vaccine) sẽ tạo điều kiện nảy sinh biến thể mới. Song đến nay, kịch bản này chưa thành sự thật. Các biến thể nguy hiểm như Alpha , Beta , Gamma và Delta đều được phát hiện vào năm 2020, trước khi các nước triển khai tiêm chủng hàng loạt.

Một vấn đề nữa được đặt ra, liệu sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta ở Anh kể từ đầu tháng 4 có phải là hệ quả từ việc trì hoãn liều thứ hai?

Dữ liệu sơ bộ cho thấy một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca hiệu quả thấp, khoảng 33%, đối với biến thể Delta trong ngăn ngừa nhiễm bệnh. Tiêm chủng đầy đủ có tác dụng bảo vệ cao hơn nhiều, 88% đối với vaccine Pfizer và 60% ở vaccine AstraZeneca. Việc để phần đông dân số chỉ tiêm một liều trong thời gian dài làm tăng tính nhạy cảm của họ với biến thể.

Tuy nhiên, số ca nhiễm Delta tại Anh hồi tháng 4 tăng nhanh chủ yếu do chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã không quyết liệt áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Ấn Độ ngay từ đầu. Đóng biên chậm trễ đã khiến Anh phải trả giá khi Delta dần biến thành biến chủng chủ đạo ở nước này, với số ca nhiễm lên đến hàng nghìn mỗi ngày.

Nhiều nước khác cũng báo cáo dịch bệnh nóng lên do biến thể Delta, song chậm hơn Anh khoảng vài tuần. Tại Mỹ, Delta chiếm ưu thế, đặc biệt ở các bang Tây Bắc. Tình trạng vẫn xảy ra dù nước này đã tiêm vaccine Pfizer đúng lịch trình, hai liều cách nhau ba tuần. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cũng cảnh báo về sự lây lan của biến thể Delta.

Vaccine Covid-19 nhìn chung hiệu quả cao hơn trong ngăn ngừa triệu chứng nặng. Do đó, dù trì hoãn liều thứ hai có thể làm tăng số ca nhiễm, song số ca nhập viện và tử vong không tăng tương ứng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy một liều Pfizer hiệu quả tới 94% trong ngăn ngừa nhập viện do biến thể Delta. AstraZeneca tác dụng khoảng 71% với biến thể này.

Nhìn chung, dù Delta thay đổi phần nào lợi ích của một liều vaccine, song khả năng bảo vệ của chúng đủ cao để nhiều nước kiên định với chiến lược trì hoãn liều hai.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
homescontents