Lực lượng Taliban đã chiếm được ít nhất 3 tỉnh lị quan trọng trong vòng chưa đầy 48 tiếng. Giới quan sát vẫn đang chia rẽ xung quanh việc Taliban sẽ làm gì với chính quyền Kabul được Mỹ hậu thuẫn.
Sau khi tràn qua các vùng nông thôn rộng lớn, Taliban đang nhắm tới các tỉnh lị lớn nằm trong tay chính quyền Kabul. Sự sụp đổ nhanh chóng của Kunduz, Sar-i-Pul và Taliqan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà lãnh đạo ở Kabul về số phận chính trị của họ.
Taliban đã chiếm các tỉnh lị trên trong cuối tuần qua, vài tuần trước khi Mỹ hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Nguồn tin của báo New York Times cho biết Washington không có kế hoạch trì hoãn việc rút quân bất chấp đà tiến quân của Taliban.
Đài CNN cho biết Mỹ đã thực hiện một số đợt không kích hỗ trợ quân đội Afghanistan nhưng dường như không ngăn được Taliban.
Theo New York Times, các tỉnh lị trong tay chính quyền Kabul giờ như ốc đảo giữa vòng vây của Taliban. Lối thoát duy nhất cho các lực lượng chốt giữ trong thành phố là sân bay.
Hãng tin Reuters ngày 9-8 cho biết Kabul đã triển khai biệt kích đến tái chiếm Kunduz và đẩy hàng ngàn người vào cảnh chạy nạn.
Hồi tháng trước, Taliban đã kêu gọi các tỉnh lị đầu hàng để tránh đổ máu và hư hại vật chất. Yêu sách này dường như đã không được đáp lại và dẫn tới các cuộc tấn công như vào cuối tuần qua.
Kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân, Taliban đã chiếm được hơn một nửa trong số 400 quận của Afghanistan. Nhiều ý kiến chỉ trích sự rút quân vội vã của phương Tây đã xuất hiện.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 8-8 tiết lộ London đã yêu cầu NATO giữ binh sĩ ở lại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân để hỗ trợ chính quyền Kabul. Tuy nhiên nhiều nước đã phản đối, dẫn tới việc khối này rút quân chóng vánh.
Phát ngôn viên của Taliban Muhammad Naeem Wardak tuyên bố sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn nào và cảnh báo Washington không nên can thiệp thêm để hỗ trợ chính quyền Kabul.
Các cuộc tấn công mạnh mẽ và đa hướng của Taliban đang là điều khiến nhiều người bất ngờ. Phần lớn giới quan sát đều tin rằng Taliban sẽ tiến về Kabul, lật đổ chính quyền được Mỹ hậu thuẫn và thành lập chính quyền mới.
Taliban từng nắm quyền ở Afghanistan và áp đặt các luật lệ hà khắc ở nước này. Việc Mỹ đổ quân năm 2001 đã dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của Taliban. Do đó, theo nhiều người, việc Taliban khao khát được trở lại nắm quyền tuyệt đối là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Taliban sẽ không tiếp quản chính quyền Kabul bởi sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt, cấm vận quốc tế.
Lực lượng này có thể chỉ đang gây sức ép quân sự để thành lập một chính quyền mới, trong đó Taliban chiếm đa số và nếu lý tưởng nhất là giữ lại số ít người của chính quyền cũ.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta cho biết ông bất ngờ khi không quân Mỹ không hỗ trợ nhiều cho quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, theo ông Panetta, kể cả khi Mỹ can thiệp, tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu.
Theo ông Panetta, điều có thể hy vọng nhất bây giờ là Taliban và quân đội Afghanistan cù cưa, bế tắc tại một số địa điểm để không dẫn tới sự sụp đổ quá nhanh của Kabul.