Trung Quốc sẽ xây dựng các trung tâm đào tạo bóng đá và khuyến khích các “thành phố trọng điểm” thành lập ít nhất là hai câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nam và nữ.
Hãng tin Reuters nói Trung Quốc hôm 28/5 loan báo như vậy trong kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn thi đấu và nhắm tới mục tiêu đưa bóng đá của nước đông dân nhất hành tinh này lên hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình, một người hâm mộ bóng đá, cam kết đưa Trung Quốc lên thành một “cường quốc bóng đá,” và muốn nước ông sẽ đăng cai và sau đó vô địch World Cup trước năm 2050.
Tổng cục Thể thao Trung Quốc cam kết sẽ học hỏi kinh nghiệm cả trong lẫn ngoài nước để khuyến khích sự tham gia, nâng cao quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng tới mục tiêu có ít nhất một sân bóng trên mỗi 10.000 dân vào năm 2025.
Chính phủ cho biết sẽ hỗ trợ chính sách nâng cao các giải đấu của Trung Quốc lên cấp “hạng nhất” ở châu Á vào năm 2030.
Chính phủ cũng hứa hẹn thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp nữ và khuyến khích “mô hình đầu tư đa dạng”, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức xã hội và cá nhân.
Bất chấp tham vọng của đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đội tuyển nam quốc gia Trung Quốc luôn chật vật trên sân cỏ quốc tế, chỉ vào vòng chung kết World Cup một lần vào năm 2002 và hiện đang ở vị trí thứ 77 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng sau các quốc gia nhỏ hơn như Cape Verde.
Bóng đá ở cấp câu lạc bộ cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là không giữ được một khối fan hâm mộ trung thành, bởi vì quyền sở hữu và thương hiệu thường xuyên bị thay đổi .
Ôn Cameron Wilson, biên tập viên của trang web bóng đá Wild East Football, người thường xuyên theo dõi và am tường bóng đá Trung Quốc, nhận xét rằng “Phần lớn chương trình cải cách bóng đá đang diễn ra của Trung Quốc là có chủ đích tốt và thậm chí hoàn toàn hợp lý, trên giấy tờ, nhìn từ góc độ bóng đá.”
“Nhưng những cải cách này không có nhiều cơ hội tạo ra bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào đối với vận mệnh bóng đá của Trung Quốc bởi vì chúng không giải quyết các vấn đề sâu sắc và có hệ thống ở Trung Quốc, vốn ngăn cản bóng đá phát triển một cách có cơ sở, giống như ở các quốc gia có nền bóng đá thành công”, ông nói thêm.